Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Quốc hội thông qua tăng lương cơ sở cho công chức lên 1,6 triệu đồng/tháng

Dân sinh: Với 93,37% đại biểu tán thành, Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó có việc tăng lương cơ sở lên mức 1,6 triệu đồng/tháng.

Quốc hội thông qua tăng lương cơ sở cho công chức lên 1,6 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Có 93,37% đại biểu tán thành thông qua kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước

Chiều nay (12/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó "duyệt" tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2020. Lương sắp tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Với 93,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2020 là 1,5 triệu tỷ đồng và tổng chi ngân sách là 1,7 triệu tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.000 tỷ đồng, tương đương 3,44% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương là 217.800 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP và bội chi ngân sách địa phương là 17.000 tỷ đồng, tương đương 0,24% GDP.

Về việc tăng lương, Quốc hội thông qua đề xuất tăng lương của Chính phủ từ ngày 1/7/2020. Mức lương tăng thêm 110.000 đồng, nâng lương từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, mức tăng cao nhất trong 8 năm qua.

Quốc hội thông qua tăng lương cơ sở cho công chức lên 1,6 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2020

Quốc hội giao Chính phủ loại trừ thêm một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể khi xác định số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2019 và dự toán năm 2020 để tính nguồn cải cách tiền lương.

Đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo một số nguyên tắc.

Cụ thể, dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng.

Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

Sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định.

Các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương mà xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ, thì được phép trình Thủ tướng xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.

Chính phủ điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; chống lãng phí; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.

Cùng đó, Quốc hội đề nghị bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

Quốc hội thông qua tổng mức vay của ngân sách nhà nước trong năm 2020 là gần 488.921 tỷ đồng; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 cho một số chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững, các nguồn vốn viện trợ…

Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.