Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quốc lễ: Tự hào và trách nhiệm



Thế hệ trẻ Việt Nam luôn có quyền tự hào về những gì cha anh đã làm nên. Ảnh: KT


Ông cha đã làm nên lịch sử để chúng ta tự hào

Với 71 năm tồn tại và phát triển, trải qua bao thăng trầm lịch sử, dồn tất cả nhân lực, vật lực để bảo vệ thành quả cách mạng, chúng ta đã có một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là điều rất đáng tự hào. Tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết chiến quyết thắng đã làm nên vinh quang cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.

Để hiểu rõ giá trị của niềm vinh quang, chúng ta cần nhớ rằng, năm 1945, Việt Nam đã trải qua nạn đói khủng khiếp với 2 triệu người chết đói trong tổng số dân 25 triệu. Cũng chính trong năm đó, chúng ta tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, biến một nước nửa thuộcđịa, nửa phong kiến thành một nước độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, biến người Việt Nam nô lệ thành người tự do.

Chính quyền cách mạng mới tồn tại được hơn một năm đã phải kêu gọi toàn quốc kháng chiến.Chín năm chiến đấu với quân đội viễn chinh Pháp, chúng ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, đuổi quân Pháp ra khỏi bờ cõi. Cứ tưởnghòa bình, độc lậpđã đến với dân tộc ta lâu dài, không ngờ chúng ta còn phải tiến hành chiến tranh chống lại siêu cường số 1 là đế quốc Mỹ suốt 20 năm nữa mới thống nhất được đất nước. Lần này, những ngườiđa nghi nhất cũng khẳng định hòa bình là vĩnh viễn. Ấy thế mà chỉ 3 - 4 năm sau, chúng ta phải tiến hành 2 cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu! Chúng ta đập tan sự quấy phá của kẻ thù nhưng cũng đã phải trả giá rất đắt.

Nhắc lại những nét chính trong lịch sử như vậy để thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay hiểu được cái giá của tự do, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta ghi công cho những ngườiđã làm nên chiến thắng một cách kính cẩn và rút ra những bài học sâu sắc.

Kỷ niệm ngày 2/9 mỗi năm có thể khác nhau về quy mô, nhưng ý nghĩa thì không bao giờ thay đổi, nó giúp tất cả người Việt Nam nhìn lại chặng đường đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất đỗi vinh quang và đáng tự hào.
 



Những người có công với đất nước qua các cuộc chiến tranh luôn được quan tâm chu đáo. Ảnh: KT


Hiểu rõ quá khứ để hoạch định tốt cho tương lai

Công đầutrong việc tạo nên niềm tự hào của dân tộcthuộc về Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ một đội quân có 34 người với vũ khí thô sơ, quân đội ta đã trải qua những cuộc chiến tranh quy mô và khốc liệt, đánh thắng đội quân của những quốc gia hùng mạnh vàđông người. Tài trí, mưu lược, lòng quả cảm của những người “lính cụ Hồ” đã làm nên vinh quang cho dân tộc. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới phức tạp, quân đội vẫn luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sáng đáp trả những âm mưu khiêu khích của kẻ thù. Dù là thời bình, nhưng quân đội vẫn thể hiện sức mạnh để nhân dân yên lòng.

Lĩnh vực thứ hai cần được ghi nhận công trạng là Ngành LĐTBXH. Những người hoạt động trong lĩnh vực này không đối đầu trực tiếp với hi sinh, gian khổ nhưng công việc thầm lặng của họ lại cóý nghĩa vô cùng to lớn.Ai cũng biết, không phải ngẫu nhiên mà bước vào cuộc chiến tranh chống Pháp chưa được một năm, ngày 27/7/1947 được lấy làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, chúng ta đã xây dựng vững chắc niềm tin vào tương lai. Những người lính ra chiến trường không một chút do dự vì tin rằng, người thân của mình sẽ được quan tâm chu đáo. Và như chúng ta thấy, cho đến hôm nay, khoảng 6 triệu người có công với đất nước đang được quan tâm hàng ngày.Đây vừa là đạo lý, vừa là chiến lược xây dựng niềm tin.

Trong 71 năm qua, những người nông dân bình dị được xem là những người tạo nên kỳ tích của thời kỳ đổi mớiở Việt Nam. Năm 1945 - 2 triệu người chết đói; sau 1975, mỗi năm nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực - vẫn đói; từ năm 1990 đến nay, luôn luôn trong tốp 3 nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Việc bảo đảm được an ninh lương thực tạo cho Việt Nam một vị thế chững chạc, vững vàng trong khu vực và trên thế giới.

Lĩnh vực nào, ngành nghề nào của dân tộc Việt Nam - một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, có trí tuệ, bản lĩnh, cần cù, thông minh, sáng tạo, cầu thị… - đều đã và đang góp phần tìm tòi, tạo dựng một đất nước Việt Nam năng động trong thời kỳ hội nhập.

Ý thức trách nhiệm - Điều hôm nay mỗi người cần thể hiện

Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, dù họ sống ở đâu, tinh thần của ngày Quốc khánh 2/9 cũng sẽ cháy lên một cách mãnh liệt. Trong ngày này, khát vọng hòa bình, phát triển thịnh vượng luôn luôn đau đáu trong chúng ta. Trong cái đau đáu này, chúng ta nhận ra rằng, có rất nhiều việc phải làm để đưa Việt Nam trở thành một đất nước dân chủ, văn minh, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.

Hơn 70 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Chúng ta cũng đã đổi mới, chấp nhận nền kinh tế thị trường và đạt được một số thành tựu có ý nghĩa. Nhưng, vớiý thức trách nhiệm trước thế hệ tương lai, chúng ta cũng phải dũng cảm thừa nhận rằng,chúng ta làm được quá ít trong việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hơn thế nữa, lĩnh vực đời sống tinh thần, đạo đức đang có những biểu hiện rất đáng lo ngại: tham nhũng tràn lan, bạo lực, bạo hành diễn ra ở nhiều nơi, cảm giác mất an toàn len lỏi vào cuộc sống hàng ngày… Tất cả chúng ta buộc phải xem xét lại chính bản thân mình.

Đổ lỗi cho điều kiện, hoàn cảnh làđiều chúng ta thường làm; đổ lỗi cho người khác cũng là “phương pháp” chúng ta hay vận dụng. Đất nước ta đã vàđang tụt hậu, mỗi người chúng ta nên nhận trách nhiệm trong việc này. Người ta đã có số liệu để chứng minh năng suất lao động của người Việt Nam vào loại rất thấp, chỉ bằng 1/15 của người Singapore. Chúng ta có thể tự hào về điều này không? Đương nhiên là không, thậm chí chúng ta cảm thấy xấu hổ.

Trong ngày Quốc lễ, ông cha ta đã làm cho chúng ta có quyền tự hào, vậy chúng ta phải làm thế nào đấy để con cháu cũng có thể tự hào về chúng ta. Đây là trách nhiệm của mỗi người.
 


Từ năm 1990 đến nay, Việt Nam luôn luôn trong tốp 3 nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Ảnh: KT


Kỷ niệm nhắc nhở

Những người trên dưới 60 tuổi như chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm nhân dịp ngày 2/9.Kỷ niệm vui có, buồn có nhưng tôi muốn nhớ lại những kỷ niệm cóý nghĩa nhắc nhở.

Ngày Quốc khánh 2/9 ở quê tôi (Quỳnh Lưu, NghệAn) gọi là Tết Độc lập, trang trọng và thiêng liêng lắm. Dịp Quốc khánh 1975, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, lại đủ điểm để đi nước ngoài nên nhà tôi rất đông khách. Một người lớn tuổi, có uy tín nói với tôi rằng: “Thế hệ các cháu thật là hạnh phúc! Đất nước ta vừa làm nên chiến thắng lịch sử trong thế kỷ XX, bây giờ là kỷ nguyên hòa bình, độc lập, dân chủ và tự do vĩnh viễn. Các cháu chỉ việc học hành thật tốt để xây dựng đất nước, không phải lo gì cả!”.

Mẹ tôi thấy thế, thủng thẳng lên tiếng: “Sau kháng chiến chống Pháp, bố thằng này về làng, tham gia vận động thành lập hợp tác xã, rồi làm chủ nhiệm, làm bí thư chi bộ thôn. Có hôm tôi bế nó, dắt anh nó ra xem bố viết khẩu hiệu chào mừng Tết Độc lập, cũng có người chỉ chúng nó và nói điều tương tự: nào là hòa bình, độc lập vĩnh viễn, nào là cuộc sống no đủ… Thế mà thực tế xảy ra thế nào? Mấy năm sau, bố nó tham gia lực lượng cảm tử, làm lễ truy điệu sống trước khi xuất quân; anh nó 17 tuổi đã vào bộ đội, bây giờ vẫn là lính; cuộc sống không lường trước được điều gì đâu!”.

Dịp 2/9/1976, trước khi sang Liên Xô học tập, tôi chứng kiến những người lính rời quân ngũ để bước vào cuộc sống lao động, học tập trong thời bình. Họ nói: “Chúng ta vĩnh viễn rời cây súng! Chúng ta thắng Mỹ rồi, chẳng phải đánh nhau với ai nữa đâu, trừ phi đánh nhau với… Trung Quốc!”.

Đấy không phải là một câu tiên liệu, mà là một giả định để khẳng định điều rất khó xảy ra.Ấy thế mà nó đã xảy ra.

Nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ trong dịp Quốc khánh 2/9, tôi chỉ muốn lưu ý là người Việt Nam chúng ta chưa được nghỉ ngơi, thư giãn đâu. Muốn có trọn vẹn niềm tự hào do ông cha tạo dựng, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn.

Trọng Quỳnh

Theo Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em