Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Chính sách an sinh xã hội

(Dân sinh) - Chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là người lao động và thân nhân trước những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực sự là một trong những chính sách an sinh xã hội hữu ích nhất hiện nay.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có ý nghĩa rất lớn. Chính sách này không chỉ bảo đảm hỗ trợ y tế và thu nhập cho người lao động, người thân của họ khi xảy ra tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, mà còn giúp giảm nhẹ gánh nặng bồi thường từ người sử dụng lao động cũng như gánh nặng an sinh xã hội mà Chính phủ phải bảo đảm. Chính sách phòng ngừa và chia sẻ rủi ro của Quỹ rất thiết thực và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Mục tiêu của chính sách là khuyến khích các doanh nghiệp được hưởng mức đóng góp thấp hơn bằng cách cải thiện điều kiện làm việc và giảm thiểu rủi ro tại nơi làm việc, chính vì vậy, tỷ lệ đóng góp tối đa 1% như hiện nay cần áp dụng linh hoạt, tùy theo ngành nghề hoặc kết quả đánh giá rủi ro. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách theo hướng bổ sung các chế độ hỗ trợ và giảm nhẹ trách nhiệm trả lương, chi phí y tế và bồi thường từ người sử dụng lao động.

chị Nguyễn Thị Tin (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội).

chị Nguyễn Thị Tin (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội).

Là hai trong số những người hưởng chính sách bảo hiểm TNLĐ-BNN, chị Nguyễn Thị Tin (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) và anh Nguyễn Văn Thủy (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) càng hiểu sâu sắc ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia chính sách này. Chị Tin là nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. Vào đêm ngày 15/12/2021, trong khi đang đẩy xe gom rác về điểm tập kết, chị Tin bị một xe ô tô bán tải đâm phải. Vụ tai nạn khiến chị Tin bị chấn thương sọ não. Chị Tin kể lại “Công ty cũng tạo điều kiện cho tôi nghỉ 2 tháng để điều trị và phục hồi. Tuy nhiên, khi đi làm lại được 5 ngày, tôi bị ngất phải đi cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn. Sau 10 ngày điều trị, tôi làm đơn xin nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo”.

Với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật là 31%, chị Tin được hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ-BNN theo từng tháng với mức bằng 30% lương cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, đều đặn hằng tháng, chị đều được nhận được số tiền trợ cấp 447.000 đồng. “Số tiền tuy không lớn nhưng ổn định đã tạo động lực, giúp tôi yên tâm hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn. Được biết, từ tháng 7 năm nay, lương cơ sở được điều chỉnh tăng thì số tiền trợ cấp của tôi cũng cao hơn, lên 540.000 đồng” - chị Tin vui vẻ cho biết.

Anh Thủy là công nhân nhà máy sản xuất gạch men ốp lát. Tháng 6/2022, trong quá trình làm việc tại phân xưởng, anh bị tai nạn lao động (dập đốt ngón tay) khi đang căn chỉnh dây curoa của băng chuyền đỡ gạch. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, anh Thủy đã được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn và giám định y khoa để xác định tỷ lệ thương tật với tỷ lệ tổn thương cơ là 6%. Do đang tham gia BHXH tại doanh nghiệp, với tỷ lệ tổn thương dưới 31%, anh Thủy được quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN chi trả chế độ một lần. “Lúc đó tôi được BHXH chi trả số tiền là 44 triệu đồng, tương đương với khoảng 4 đến 5 tháng lương của tôi. Trong hơn 1 tháng nghỉ việc ở nhà điều trị, số tiền này đã hỗ trợ tôi và gia đình rất nhiều trong sinh hoạt, thuốc men điều trị. Tôi thấy rất may mắn vì đã tham gia BHXH” - anh Thủy tâm sự.

anh Nguyễn Văn Thủy (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) càng hiểu sâu sắc ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia chính sách này.

anh Nguyễn Văn Thủy (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) càng hiểu sâu sắc ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia chính sách này.

Dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều NLĐ. Mỗi NLĐ đều là trụ cột của gia đình. Khi không may bị TNLĐ hay BNN phải nghỉ làm, hầu hết NLĐ không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo “gánh nặng” tài chính cho cả gia đình. Vì vậy, nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là NLĐ và thân nhân trước những rủi ro về TNLĐ, BNN, quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do TNLĐ, BNN trên cơ sở đóng góp vào quỹ.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).

Tại tỉnh Đồng Nai, địa phương có gần 11.000 doanh nghiệp với hơn 750.000 người lao động thuộc diện hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN, ngay sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã nghiêm túc, khẩn trương phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai trên địa bàn. BHXH tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo, bám sát các đơn vị sử dụng lao động để tư vấn, hướng dẫn thực hiện rà soát thống kê số doanh nghiệp đủ điều kiện hỗ trợ. Sau khi rà soát, BHXH tỉnh đã gửi thông báo và ban hành quyết định giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN đến tất cả các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn với tổng số tiền hỗ trợ hơn 330 tỷ đồng.