Mức giảm đồng đều áp dụng cho tất cả ngành, nghề
Theo Dự thảo, đối tượng áp dụng bao gồm người lao động (là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc) và người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.
Về mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Dự thảo quy định: Người sử dụng lao động đóng mức 0,5 % trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, gồm các đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Và người sử dụng lao động đóng mức 0,5% trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
Người sử dụng lao động đóng mức 0,5 % trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội
Việc ban hành nghị định mới là cần thiết
Theo Ban soạn thảo Nghị định, căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật an toàn, vệ sinh lao động, Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 và tinh thần thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành rà soát chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, kết quả cho thấy: Với mức đóng hiện hành (hàng tháng đóng 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động), thì tỷ lệ số chi/thu quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đều chưa tới 10% và ít biến động trong nhiều năm trở lại đây.
Ngoài các khoản chi được tính toán ở trên, theo Luật an toàn, vệ sinh lao động có thêm khoản chi mới, bao gồm: Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc (Điều 55); hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (với mức tối đa 10% nguồn thu theo Khoản 1 Điều 56). Khi áp dụng khoản chi mới trên, thì tỷ lệ số chi/thu Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ dao động quanh mức 25%, nếu không có những biến động lớn về đối tượng tham gia cũng như mức hưởng.
Chính vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thấp hơn mức quy định hiện hành áp dụng trong một giai đoạn ngắn hạn là hoàn toàn có thể được.
Có thêm khoản chi mới cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Cũng theo Ban soạn thảo, khi xây dựng Dự thảo, có 2 phương án đề xuất quy định giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể: Phương án 1, mức giảm đồng đều áp dụng cho tất cả ngành, nghề (dự kiến là 0,5% quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động). Phương án này có thể áp dụng ngay vì đáp ứng được một trong những đặc điểm của bảo hiểm xã hội là chia sẻ rủi ro giữa những đối tượng tham gia; Phương án 2, mức giảm sẽ linh hoạt theo mức độ rủi ro và hậu quả của các tai nạn xảy ra đối với từng ngành, nghề. Phương án này khuyến khích việc chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp so với phương án 1. Tuy nhiên, để xác định mức đóng linh hoạt này cần có thời gian nghiên cứu, tính toán đầy đủ, chính xác tương đối mức độ rủi ro, tai nạn nghề nghiệp theo từng ngành, nghề.
Tai nạn lao động tại công trường
Nhận định, phân tích, đánh giá tác động, Ban soạn thảo đề xuất Nghị định theo phương án 1, theo đó mức đóng là 0,5% quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, tức là giảm 50% so với hiện tại. Bởi các lý do: Thứ nhất, mặc dù tỷ lệ số chi/thu quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ dao động quanh mức 25% khi áp dụng mức chi mới nhưng đây không hoàn toàn là quỹ ngắn hạn để có thể cân đối thu, chi theo từng năm. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang có khoản chi dài hạn (đó là tiền trợ cấp hàng tháng cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên; được thực hiện từ khi điều trị ổn định, có kết quả giám định thương tật; người lao động được hưởng trọn đời, còn dài hạn hơn cả hưởng chế độ hưu trí).
Thứ hai, theo quy định tại Điểm c khoản 3 Điều 6 Luật an toàn, vệ sinh lao động, Chính phủ chỉ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện. Vì vậy, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể còn phải tính toán dự phòng cân đối nguồn để chi khi triển khai bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (theo nguyên tắc mọi người tham gia Quỹ đều hưởng bình đẳng như nhau, nhằm chia sẻ rủi ro).
Như vậy, khi áp dụng mức đóng mới là 0,5% quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thì tỷ lệ chi/thu vào khoảng 40%, dự phòng 60% cho các khoản chi dài hạn và cân đối khi mở rộng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.