Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quy định về BHYT theo hộ gia đình: Cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc

Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đã quy định, từ 1/1/2015, người dân muốn mua thẻ BHYT tự nguyện phải đăng ký theo hộ gia đình. Nhằm hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, luật quy định cơ chế khuyến khích theo hướng giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã có nhiều vướng mắc đang phát sinh.

Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, từ 1/1/2015 người dân muốn mua thẻ BHYT phải đăng ký theo hộ gia đình. Để hỗ trợ một phần mức đóng khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, Khoản 3 Điều 13 của Luật đã quy định: Khi tất cả thành viên hộ gia đình tham gia BHYT sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất (hiện nay mức đóng phí BHYT chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở là 621.000 đồng); Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Đối với quy định của luật, việc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình dù đã giúp giảm mức đóng khá nhiều so với việc mỗi thành viên tự mua, nhưng vẫn là thách thức với những hộ thu nhập thấp. Bởi với thu nhập của một hộ thuần nông tại các tỉnh còn khó khăn, ngay cả bố trí kinh phí để mua bảo hiểm y tế cho một thành viên đã không dễ. Vì thế, khi số kinh phí tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 3 – 4 lần so với trước đây, thì họ càng có ít cơ hội hơn.

Bệnh nhân khám bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế

 Bên cạnh đó, với quy định mới, khi đăng ký mua bảo hiểm y tế tự nguyện, cá nhân đăng ký phải khai đầy đủ thông tin các thành viên trong hộ gia đình về số thẻ và loại hình tham gia (ví dụ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, hưu trí…). Yêu cầu như vậy khiến thủ tục tham gia càng trở nên rắc rối. Thực tế, trong một hộ gia đình có người đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, song vì một số lý do đang phải chờ để tiếp tục được gia hạn, thì thẻ bảo hiểm của những đối tượng này sẽ không được chấp nhận để loại ra khỏi danh sách những người phải mua theo hộ gia đình. Những đối tượng này chắc chắn sẽ không muốn tham gia theo hình thức mới, vì thủ tục để chuyển đổi không đơn giản. Ngoài ra, người dân cũng gặp khó khăn trong việc việc xác minh tạm vắng đối với người đang công tác, du học, làm việc ở nước ngoài; người có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại địa phương nhưng chuyển đến nơi khác làm việc, sinh sống...

Trước những vướng mắc này, Bộ Y tế đã ban hành nhanh một số văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ gia hạn thẻ, hướng dẫn thủ tục mua bảo hiểm y tế gia đình, kéo dài thời gian áp dụng bắt buộc... Song khó khăn với người tham gia bảo hiểm y tế vẫn chưa giảm, vì những văn bản hướng dẫn chưa bao phủ hết các vướng mắc phát sinh, trong khi, cán bộ thực hiện lại hiểu sai quy định, nên áp dụng không đúng tinh thần của luật. Ví dụ như, Luật BHYT (sửa đổi) quy định, người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện trước thời điểm 1/1/2015 có thể lựa chọn gia hạn thẻ hoặc mua cùng gia đình, chỉ người mới tham gia mới bắt buộc theo hộ gia đình. Nhưng các cán bộ thực hiện lại bắt buộc cá nhân đã tham gia muốn tiếp tục phải theo hộ gia đình. Điều này khiến nếu chỉ vì một cá nhân trong gia đình không muốn tham gia, thì người đã mua từ trước sẽ không được tiếp tục gia hạn thẻ. Cá biệt, ngay cả khi họ được giải quyết được phép tiếp tục gia hạn thẻ, thì dù vẫn chưa hết thời hạn xem xét (trong 3 tháng kể tính từ lúc thẻ hết hạn), nhưng cán bộ không rõ vì lý do nào vẫn yêu cầu mua thẻ mới. Vì thế, người tham gia đã mất hết khoảng thời gian được tích lũy trước đó, cũng như các ưu đãi liên quan như: tiếp cận y tế công nghệ cao, tăng mức giảm trừ chi phí khám chữa bệnh...

Những vướng mắc này cũng đã được nhiều ĐBQH đề cập trong quá trình xem xét, thông qua Luật BHYT (sửa đổi). Khi đó, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này (Bộ Y tế) đã nêu rõ, bản chất của BHYT không phải quỹ tương trợ, mà là cơ chế tài chính để chia sẻ rủi ro giữa cộng đồng những người tham gia. Vì thế, ngay bản thân trong một hộ, các thành viên phải có trách nhiệm đối với nhau, sau đó có trách nhiệm với cộng đồng, rồi từ đó cộng đồng mới có trách nhiệm với cá nhân. Việc luật hóa hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng là để khắc phục tình trạng chỉ chọn mua cho những người ốm, người bị bệnh mãn tính. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ rà soát, chỉnh lý, bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia bảo hiểm y tế. 

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT - BHXH VN cho biết, sau 3 tháng triển khai việc bán thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, cơ quan BHXH VN đã quyết định tạm thời lùi thời gian thực hiện hoạt động này tới ngày 1/1/2016 do còn nhiều bất cập, thủ tục nhiêu khê, phiền hà khiến người dân bức xúc và cơ quan chức năng khó thực thi pháp luật.

Để có thời gian cho người dân hoàn thành các thủ tục, ông Sơn cho biết, việc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình sẽ tạm hoãn đến cuối năm và trong thời gian này người dân có nhu cầu vẫn có thể mua bảo hiểm y tế theo cá nhân như từ trước tới nay. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2016  trở đi, toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện mua BHYT hộ gia đình. Cơ quan BHXH VN sẽ hoàn thiện những quy định hướng dẫn về việc thu BHYT hộ gia đình đến BHXH các tỉnh, thành phố.