Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quy định xét nghiệm, cách ly y tế vẫn khiến tài xế chở hàng bị động

Tối 21/7, tại cuộc giao ban vận tải hàng hóa giữa Bộ Giao thông Vận tải và 63 sở giao thông vận tải cả nước, các địa phương, doanh nghiệp phản ánh thời hạn, cách hiểu khác nhau về giấy xét nghiệm COVID-19 khiến doanh nghiệp, tài xế bị động.

Theo tuoitre.vn, các ý kiến cho rằng thời hạn có hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 72 giờ theo quy định của Bộ Y tế là ngắn khiến doanh nghiệp và tài xế bị động, tốn kém về chi phí.

Nhiều địa phương yêu cầu tài xế trở về từ vùng dịch phải cách ly mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính. Nhiều địa phương chỉ công nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR…

Quy định xét nghiệm, cách ly y tế vẫn khiến tài xế chở hàng bị động - Ảnh 1.

Trong khi đó, lao động trong lĩnh vực vận tải vẫn chưa thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu để được tiêm vaccine.

Ngoài ra, một số địa phương chưa chủ động chuẩn bị, xây dựng phương án tổ chức vận tải, điều tiết giao thông, kiểm soát phương tiện trong điều kiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Việc này dẫn đến việc ùn tắc kéo dài khi khẩn cấp áp dụng kiểm soát người vào địa phương như Hà Nội, Hải Phòng...

Chia sẻ khó khăn với các địa phương đang căng mình chống dịch, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị của Bộ khi ban hành hướng dẫn phải cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất cao khi triển khai thực hiện.

Các sở giao thông vận tải cần nâng cao tính chủ động trao đổi, hỏi ngay khi chưa hiểu để thống nhất việc áp dụng các quy định trong cùng một điều kiện giãn cách xã hội, không để vận tải hàng hóa bị gián đoạn…

Ông Thể đề nghị các địa phương phải hiểu rõ việc cấp giấy thông hành bằng mã QR chỉ áp dụng đối với xe đi và đến các địa phương áp dụng Chỉ thị 16, tránh việc cấp không đúng đối tượng phát sinh thêm thủ tục cho doanh nghiệp và lái xe.

Với các địa phương dù chưa áp dụng Chỉ thị 16, ông Thể đề nghị phải chủ động xây dựng phương án tổ chức giao thông để luôn trong tình trạng sẵn sàng. Khi triển khai cũng cần có "dự lệnh" để các doanh nghiệp vận tải, lái xe biết và chấp hành.

Trước đó, hanoimoi.com.vn cho biết, ngày 19/7, Bộ Y tế có Văn bản số 5753/BYT-MT gửi Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa.

Theo đó, Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp, dỡ hàng hóa đi theo xe) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 hoặc bổ sung biện pháp ở mức cao hơn so với Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Để làm rõ hơn các quy định về y tế với tài xế, ông Thể giao Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ngay sáng 22/7 phải làm việc trực tiếp với Bộ Y tế để làm rõ các quy định tại văn bản 5753 và tiếp tục kiến nghị về việc kéo dài hiệu lực giấy xét nghiệm COVID-19 đối với đội ngũ lái xe.