Theo đó, đồ án Quy hoạch được duyệt gồm 3 nội dung: Đồ án Quy hoạch; Đề án Bảo tồn; Quy chế quản lý đầu tư xây dựng. Mục tiêu của đề án này là nhằm bảo tồn, tôn tạo khu di tích; khai thác phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục cộng đồng, du khách tham quan, du lịch; nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Thế giới; xây dựng không gian văn hóa cộng đồng hài hòa về cảnh quan kiến trúc, đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật trong tổng thể khu Trung tâm chính trị Ba Đình… Quy mô phạm vi lập quy hoạch của khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là 18,3 ha (bao gồm khu Thành cổ Hà Nội từ Kỳ Đài đến Bắc Môn và khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu).
Phối cảnh tổng thể Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Phương án quy hoạch sẽ tập trung làm nổi bật trục không gian từ Kỳ Đài đến Bắc Môn. Đây là trục liên kết các di tích kiến trúc quan trọng nhất hiện còn của khu di sản. Trên trục chính này, sẽ bảo tồn nguyên trạng các di tích, công trình được xác định là tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử như Kỳ Đài - Hậu Lâu - Bắc Môn thời Nguyễn, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên - thời Lê, nhà và hầm D67, nhà và hầm Cục tác chiến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Giải pháp quy hoạch như vậy cũng sẽ nhấn mạnh không gian Khu di sản theo cấu tầng bậc theo trục - cấu trúc đặc trưng của kiến trúc kinh thành Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Không gian cây xanh, sân vườn và hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo chất lượng cảnh quan cũng như yêu cầu vận hành quản lý. Ngoài ra, đồ án cũng đề xuất mở rộng vùng đệm để bảo vệ khu di sản về phía Bắc và phía Nam.
Phía Bắc được mở rộng sát với hồ Trúc Bạch, phía Nam mở rộng kết nối đến khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khu vực phía Đông được xác định như khu vực chuyển tiếp có tính chất là không gian đệm kết nối khu di sản đến khu vực phố cổ, hồ Gươm...
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di tích Quốc gia đặc biệt đồng thời là Di sản văn hóa thế giới với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi bật toàn cầu. Trải qua nhiều biến động lịch sử, khu di tích trở thành một điểm nhấn lịch sử, văn hóa quan trọng của Thủ đô và là biểu tượng của Kinh đô Thăng Long qua các thời kỳ. Việc quy hoạch được triển khai thực hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của dân tộc; đồng thời bảo tồn và tôn vinh được hình ảnh khu vực Kinh đô lịch sử để Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long mãi là tài sản vô giá của dân tộc.