Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn: Nhiều mục tiêu quá xa vời

Tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) tổ chức hội nghị công bố, tổ chức triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 19-8-2014. Tuy nhiên, nếu so với thực tế và tiềm lực hiện có thì những mục tiêu mà quy hoạch đặt ra e quá xa vời, khó thực hiện.

Theo Quy hoạch này, ngành nghệ thuật biểu diễn sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển nghệ thuật biểu diễn; rà soát nâng cấp, cải tạo một số nhà hát đang xuống cấp tại các địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp và trang bị mới hệ thống phương tiện kỹ thuật phù hợp.

Xây dựng trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại tại thành phố Hồ Chí Minh. Quy hoạch này cũng đề cập đến việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp hóa... Việc đào tạo, phát triển nhân lực ngành nghệ thuật biểu diễn có năng lực sáng tạo cần bảo đảm cân đối về các chuyên ngành theo nhu cầu của xã hội...

Để quy hoạch đi vào đời sống, thời gian tới Bộ VH-TT&DL sẽ xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn; xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu… Ngoài ra sẽ xây dựng Đề án về cơ chế đãi ngộ đối với các nghệ sĩ có nhiều thành tích và giải thưởng cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế...

 

Một tiết mục múa.

Tuy nhiên, một số mục tiêu trong bản quy hoạch này khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi. Theo bản quy hoạch này, mục tiêu của ngành nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, chúng ta sẽ có tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ thế giới, đến năm 2030, ngành này có vị trí vững chắc trong khu vực và châu Á.

Nếu nhìn vào thực tế hiện nay, nhìn vào chất lượng và tiềm lực của nền nghệ thuật hiện nay của ta thì có thể thấy việc đặt ra mục tiêu năm 2020 sẽ có tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ thế giới là một mơ ước viển vông. Khách quan và công bằng mà nói, hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật của ta hiện nay chưa có tác phẩm xuất sắc. Nhìn vào lĩnh vực nào cũng chỉ thấy những sản phẩm nhàn nhạt, ít giá trị, thiếu bản sắc nổi bật.

Các loại hình nghệ thuật mang tính đại chúng, thu hút số đông quan tâm như: Âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình, thì tính giải trí đã lấn át chức năng nghệ thuật. Hầu hết những tác phẩm trong ba loại hình này hiện nay chưa thấy xuất hiện những tác phẩm hay, có tiếng vang.

Điện ảnh của chúng ta thời gian gần đây chỉ có những tác phẩm phim lịch sử,  “sống nhờ” vào quá khứ,  hầu như không có tác phẩm về thời đương đại. Phim truyền hình thì quanh quẩn chuyện tình tay ba, chuyện gia đình anh em giành giật quyền lợi… Còn âm nhạc thì chỉ có những bài hát ngô ngố, những giải thưởng âm nhạc nếu được tổ chức cũng chỉ để trao cho có, trao giải xong công chúng cũng không còn nhớ đến tác phẩm, tác giả đó nữa.

Nền hội họa cũng lâm vào cảnh chợ chiều, đìu hiu vì thiếu sự khởi sắc, đột phá trong sáng tạo. Nhiều loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, nhiếp ảnh… cũng lâm cảnh tương tự.

Nguyên nhân của hiện tượng này, theo nhiều nghệ sĩ lão thành, là do sự thiếu hụt đội ngũ kế thừa có năng lực, tâm huyết. Nguyên nhân khác nữa là do cách đào tạo của ta lỗi thời, kém chất lượng. Nguyên nhân thứ ba là sự tiếp cận, giao thoa, hội nhập giữa nghệ thuật Việt Nam và thế giới còn lỏng lẻo, thưa thớt, nếu không muốn nói là hầu như không có.

Ngoài ra, chính sách quản lý của nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật còn nhiều chỗ bất cập. Chính những điều đó khiến cho nền tảng, chất lượng nghệ thuật của ta ngày càng đi xuống.

Kế hoạch đặt ra trong quy hoạch thì to lớn, vĩ  mô nhưng phương thức thực hiện còn mù mờ, thiếu chi tiết. Và điều quan trọng  là thời hạn để thực hiện nó quá ngắn ngủi nếu so với tầm cỡ của mục tiêu. Chẳng hạn Luật Nghệ thuật biểu diễn dự kiến đến năm 2017 mới có thể hoàn thành, chưa kể các quy trình ra các văn bản dưới luật để thực hiện.

Thêm nữa, những giải pháp triển khai thực hiện các đề án còn chưa cụ thể chi tiết. Chẳng hạn, các vấn đề cơ chế đãi ngộ cho nghệ sĩ có thành tích cao trong nước và quốc tế dự kiến vài năm nữa mới được áp dụng. Điều này sẽ khó tạo động lực cho nghệ sĩ phấn đấu, sáng tạo.