Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tổng vụ kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), ngày 23/6, Vụ Hợp tác quốc tế đã tổ chức hội thảo trực tuyến về "chia sẽ kinh nghiệm hợp tác song phương trong lao động, việc làm và xã hội sau Covid-19". Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà và Quốc Vụ khanh phụ trách kinh tế, Bộ Kinh tế, Giáo dục và nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ, ông Boris Zurcher cũng chủ trì buổi hội thảo tại hai đầu cầu.
Mục tiêu hội thảo nhằm thúc đẩy hợp tác song phương thông qua chia sẽ kinh nghiệm giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, trong đó có các đối tượng yếu thế trong bối cảnh hậu Covid-19, trao đổi và thống nhất kế hoạch hợp tác cụ thể giai đoạn 2020-2025.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Kể từ năm 2016 đến nay, trên cơ sở bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Kinh tế, Giáo dục và nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ năm 2011, hai bên đã duy trì hoạt động đối thoại lao động thường niên, cũng như các trao đổi chia sẽ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đại dịch Covid-19 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trên thế giới. Nhóm lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng, lao động có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi, phụ nữ, lao động di cư là những nhóm dễ bị tổn thương dưới tác động của dịch bệnh.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động Việt Nam ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua, với 75% dân số trong độ tuổi lao động, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức Lao động quốc tế ILO ước tính, đại dịch Covid-19 khiến hơn 22 triệu người lao động Việt Nam đứng trước rủi ro cao về việc làm.
Trong bối cảnh đó, nhờ thực hiện những giải pháp ứng phó của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn, người lao động bị giảm sâu thu nhập do đại dịch, và sự đồng lòng của người dân trong công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội. Kể từ ngày 23/4/2020, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm mở cửa và đang đẩy mạnh phục hồi và phát triển KT-XH trong tình hình mới.
Quốc Vụ khanh phụ trách kinh tế, Bộ Kinh tế, Giáo dục và nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ, ông Boris Zurcher chúc mừng và cảm ơn Việt Nam đã đồng thuận và phê duyệt Công ước 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức ILO, đồng thời đánh giá cao Việt Nam là một minh chứng rất thành công trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19.
Bà Valentina Barcucci, Phó Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội cho biết, theo phân tích của ILO, đại dịch Covid-19 đã khiến cho 47 triệu người sử dụng lao động (chiếm 54% tổng số) hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe cơ giới, chế tạo, dịch vụ ăn uống, lưu trú, địa ốc, nghệ thuật, giải trí, vận chuyển, lưu trữ và truyền thông bị ảnh hưởng.
Cũng theo ILO, tại Việt Nam, các lĩnh vực và nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19 bao gồm: Thương mại, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe cơ giới, chế tạo, xây dựng, địa ốc, kinh doanh, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, lưu trữ, nghệ thuật, giải trí, với ước tính khoảng 9 triệu người dễ bị tổn thương, với trên 50% là lao động nữ.
Theo số liệu phân tích của thị trường lao động trong quý I/2020 tại Việt Nam, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 75,4%, mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất 5 năm trở lại đây, và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có 18,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 26% so với cùng kỳ 2019), 42% doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và 31,3% doanh nghiệp thiếu nguyên, nhiên vật liệu.
Tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất đều bị tác động mạnh , trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là ngành dệt may với 3 triệu lao động, du lịch 1,3 triệu lao động, hàng không 20 nghìn lao động, đường sắt 11 nghìn lao động… Trong tháng 4/2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 101.800 người, tháng 5 là 157.945 người. Tổng số 5 tháng đầu năm là 430.118 người (bằng 128% so với cùng kỳ năm 2019).
Tại Việt Nam, trong tháng 5/2020, có trên 5000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 36,1% so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 26,9%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,2%, xuất khẩu tăng 5,2%...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 24/4/2020, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ với tổng số trên 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng.
Cuối tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP, trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu thực hiện các mục tiêu cao nhất trong các nhiệm vụ KT-XH đã được Quốc hội đề ra.
Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người có công, người khuyết tật… và đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho các đối tượng được hỗ trợ.
Thứ trưởng mong muốn hai bên sẽ phối hợp, chia sẽ những giải pháp nhằm khôi phục thị trường lao động, hướng tới đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động sau đại dịch, tạo đà phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đây sẽ là những hoạt động thiết thực hướng tới việc chuẩn bị kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ, và kỷ niệm 10 năm ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ.
Tại hội thảo, hai bên đã thống nhất ký kết kế hoạch hợp tác tương lai giữa Bộ LĐ-TB&XH với Tổng vụ kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).