Anh Võ Văn Liền, chủ một cơ sở chế biến "vũ nữ chân dài" lâu năm ở ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên, An Giang) cho biết: Ở 2 huyện miền núi (Tri Tôn và Tịnh Biên) ngày càng có nhiều người, nhiều nhóm làm khô nhái vì thị trường ưa chuộng và nguồn nguyên liệu (nhái tươi) ở vùng Bảy Núi khá phong phú. Mỗi hộ trung bình làm ra trên dưới 10kg khô/ngày.
Công đọan phơi khô nhái rất công phu vì phải sắp xếp từng con ngay ngắn giống như tạo hình để khi nhái khô lại thì mới “đạt chuẩn vũ nữ chân dài”.
Nghề làm khô nhái đã giúp cho nhiều người có việc làm thêm, tăng thêm thu nhập, nhất là trong mùa nông nhàn, khi các cánh đồng ở Bảy Núi đã gặt hái xong. Làng khô nhái đông đảo và thâm niên nhất tập trung ở xã Vĩnh Trung với hàng trăm người tham gia vào nhiều công đoạn làm khô như: soi nhái (bắt nhái trên đồng), lột nhái (làm thịt nhái), phơi nhái…
Trong khâu soi nhái (chỉ làm ban đêm), mỗi người trung bình bắt được từ 3 – 7 kg nhái mỗi đêm, theo giá hiện tại bán được 25.000 – 30.000 đồng/kg. Ở khâu lột nhái, người làm được trả công 7.000 đồng cho mỗi kg nhái làm sạch. Giá bán sỉ khô nhái tại đây hiện nay từ 220.000 – 250.000 đồng/kg.
Nhái sống được “tắm” nước đá để nhái vừa sạch nhớt, vừa chết cóng để dễ lột da.
Tham gia làm thịt nhái đa số là phụ nữ và trẻ em, chỉ cần có đôi tay nhanh nhẹn, trong buổi sáng có thể kiếm được từ 30.000 – 50.000 đồng.
Nhái sau khi làm sạch được tẩm ướp gia vị. Bí quyết để món đặc sản miền Tây thơm ngon nằm ở khâu này.
Làng khô nhái Vĩnh Trung nhộn nhịp nhất vào tháng 8 âm lịch.
Công đoạn phơi "vũ nữ chân dài" rất công phu
Anh Liền bên các giàn khô nhái sắp thành phẩm của mình.
Khô nhái được các nhà hàng đặt cho cái tên mỹ miều là “vũ nữ chân dài” và “vũ nữ chân dài chiên bơ” luôn là món khoái khẩu của dân nhậu.