Liên quan đến việc, trong văn bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế, Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung quyền được chết cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hi vọng cứu chữa, gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội.
Quyền được chết, không nên đưa vào luật
Trao đổi với Kiến Thức, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng đề xuất bổ sung quyền được chết vào Luật Dân sự trong tình hình hiện nay là không phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm trao đổi với PV Kiến Thức. |
"Tưởng chừng là giải pháp tốt cho họ, nhưng hậu quả sẽ không lường hết được như phát sinh khiếu kiện giữa các con người chết, giữa con người chết với cơ quan y tế. Vấn đề đặt ra là ai có thẩm quyền quyết định việc này. Đến một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng còn phải được sự kiểm duyệt của Chủ tịch nước trước khi họ bị thi hành án tử hình, việc này khó mà thực hiện được, nếu có được thực hiện thì không thể kiểm soát được.
Vì vậy, không nên đưa vào luật quyền được chết như nhiều ý kiến nêu. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
Mặt khác, Điều 101 BLHS qui định Tội: Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát. Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”, luật sư Anh Thơm phân tích.
Bên cạnh đó, theo luật sư Thơm, việc áp dụng quyền được chết, hay quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa là vấn đề rất phức tạp và rất dễ bị lạm dụng vì những mục đích khác nhau.
"Những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo có thực sự mong muốn được chết hay không. Đây là có phải là ý chí hay nguyện vọng của họ hay không hay chỉ là do lúc túng quẫn, chán trường mới có suy nghĩ tiêu cực như vậy. Căn cứ nào để chứng minh rằng đó là ý chí, nguyện vọng thực sự của họ là muốn được chết.
Họ có thực sự tỉnh táo, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi đưa ra quyết định đó hay không. Hôm nay, họ có suy nghĩ tiêu cực như vậy nhưng ngày mai họ thay đổi thì như thế nào. Đã có cơ quan chuyên môn theo qui định của pháp luật giám định tâm thần của họ hoàn toàn minh mẫn, đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi quyết định hay chưa?
Mặt khác, họ bị bệnh hiểm nghèo mà không thể cứu chữa được thì cơ quan chuyên môn nào sẽ phải giám định sức khỏe theo qui định của pháp luật để kết luận họ không thể sống được trong thời gian bao lâu nữa.
Nếu khi người bệnh mong muốn được chết mà người nhà không đồng ý thì sẽ phải quyết định ra sao để tránh việc khiếu nại, kiện tụng sau này của những người thân. Người thân có thể là bố, mẹ, vợ, con, anh, chị em,.. Nếu một trong những người thân thuộc hàng thừa kế mà không đồng ý thì có thể giải quyết được không”, luật sư Anh Thơm chia sẻ quan điểm.
Theo luật sư Anh Thơm, có thể nói hệ lụy của việc áp dụng quyền được chết là rất lớn. Nếu chúng ta không xây dựng một cơ chế pháp lý đồng bộ thì việc thực thi áp dụng quyền được chết là rất khó thực hiện trên thực tế và gây ra những hậu quả pháp lý sau khi người đó chết.
Ai là người thực thi quyền được chết?
Còn PS-TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây Dựng, Hà Nội cho biết: “Việc đề xuất quyền được chết của Vụ Pháp chế có thể nhân văn với người này, nhưng lại không nhân văn với người khác”.
PS-TS Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Việc đề xuất quyền được chết của Vụ Pháp chế có thể nhân văn với người này, nhưng lại không nhân văn với người khác”. |
“Trường hợp người mắc bệnh hiểm nghèo, sống lay lắt chỉ khổ cho họ và người thân thì nên có quyền tự quyết được chết. Nhưng với trường hợp, những người bệnh đang điều trị con cái bất hiếu, khiến họ cảm thấy bất lực, nên họ quyết định vội vàng về cái chết của mình là không nhân văn.
Nhìn chung con người ai cũng muốn sống dù chỉ một vài phút, vì bản thân con người, không phải họ tự có mà bố mẹ ban tặng, chính vì vậy, chúng ta không chỉ sống cho mình mà sống vì nhiều người thân xung quanh nữa”, PG –TS Nguyễn Văn Hùng chia sẻ quan điểm.
Trong khi đó, BS Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực (BV Việt Đức), thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tôi không ủng hộ cái gọi là quyền được chết. Bởi tại Việt Nam, vấn đề chăm sóc giảm nhẹ chưa được chú trọng. Ngoài ra, tỉ lệ tự tử của người dân Việt Nam còn rất cao.
Khi đưa ra luật, ai là người thực thi và thực thi như thế nào? Không thể nói người ta đang sống, lại ký đơn xin chết… Thử hỏi ở Việt Nam mình có bao nhiêu trung tâm tâm lý, chuyên gia tâm lý… và có bao nhiêu trung tâm chăm sóc giảm nhẹ. Các trung tâm này, chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên việc đề xuất quyền được chết là không phù hợp với VN ở lúc này. Các nước phát triển, việc đưa vào luật quyền được chết đang gây nhiều tranh cãi, đừng nói là ở VN mình.
BS Nguyễn Xuân Vinh cho biết: "Dù còn một cơ hội điều trị cũng phải cố hết lòng vì người bệnh". |
Nếu một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, những ngày cuối đời họ vẫn được các bác sĩ thăm hỏi hàng ngày và dùng tất cả thuốc men và dụng cụ cần thiết cho giảm đau, bớt khó thở, thuốc chống suy nhược tinh thần cộng sự quan tâm, chăm sóc về tinh thần sẽ giúp người bệnh can đảm chịu những đau đớn do bệnh mang đến… để rồi sẽ ra đi theo quy luật của tạo hóa.
Những bệnh nhân này, khi được chú trọng chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp họ vượt qua nỗi đau, vượt qua nỗi mong muốn đau quá chết còn hơn để sống, đón nhận mọi tình huống của cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn. Nếu đầu tư cho chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp rất nhiều bệnh nhân vượt qua cảm giác muốn chết vì không chịu nổi đau đớn”.