Ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm thanh toán đa tuyến và giám định BHYT khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, 10 tháng năm 2018, gần 50 trường hợp bệnh nhân đã được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT từ gần 830 triệu đến hơn 4,7 tỷ đồng.
Cụ thể, một bệnh nhân có địa chỉ thường trú tại xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy được chi trả số tiền cao nhất là trên 4,7 tỷ đồng. Bệnh nhân trú tại phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai được Quỹ BHYT chi trả hơn 810 triệu đồng. Ngoài ra, 45 bệnh nhân được Quỹ KCB BHYT chi trả với số tiền cao...
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, trong đó có một số quy định mới trong thực hiện chính sách BHYT. Nghị định quy định 3 mức hưởng BHYT đối với từng đối tượng là 80, 95 và 100%. Trong đó, có 5 trường hợp được hưởng 100% chi phí KCB BHYT. Cụ thể: Thứ nhất: Hỗ trợ 100% chi phí KCB với các đối tượng gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Ảnh minh họa
Thứ hai, hỗ trợ 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi. Thứ ba, hỗ trợ 100% chi phí KCB tại tuyến xã. Thứ tư, hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở. Thứ năm, hỗ trợ 100% chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi KCB không đúng tuyến.
Quy định về thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên đối với người phải cùng chi trả chi phí KCB là thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng. Người được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thì thời gian ở nước ngoài được tính là thời gian tham gia BHYT. Người lao động khi đi lao động ở nước ngoài thì thời gian đã tham gia BHYT trước khi đi lao động ở nước ngoài được tính là thời gian đã tham gia BHYT nếu tham gia BHYT khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm thì thời gian đã tham gia BHYT trước đó được tính là thời gian đã tham gia BHYT.
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu chưa tham gia BHYT thì thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.
Nghị định 146 cũng quy định về thanh toán chi phí KCB đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả tại 1 lần hoặc nhiều lần KCB tại cùng cơ sở KCB đó lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì cơ sở KCB không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở của người bệnh. Cơ sở KCB có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 6 tháng lương cơ sở để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan BHXH xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.