Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quyền lợi tối thiểu của lao động giúp việc gia đình

Giúp việc gia đình đang trở thành một nghề kiếm được tiền, kể cả cơ hội việc làm trong và ngoài nước. Ngày quốc tế lao động giúp việc gia đình năm nay là thời điểm để chúng ta suy nghĩ đến tương lai của lao động giúp việc gia đình Việt Nam, để hiểu về những thách thức có thể xảy ra khi tăng số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực này và để phối hợp nhằm đảm bảo lao động giúp việc gia đình được bảo vệ với những quyền lợi tối thiểu, kể cả khi họ làm việc ở nước ngoài, xa quê hương, gia đình.

 

 Gyorgy Sziraczki, Giám đốc, Văn phòng ILO tại Việt Nam

 

Bốn năm trước đây, vào ngày 16/6, Hội nghị Lao động quốc tế đã thông qua Công ước về Lao động giúp việc gia đình, 2011 (số 189), một dấu mốc trong việc tăng cường công tác báo vệ đối với 53 triệu lao động giúp việc gia đình trên toàn cầu. Công ước và khuyến nghị kèm theo là những tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được áp dụng cụ thể đối với lao động giúp việc gia đình, gồm cả lao động giúp việc gia đình làm việc ở nước ngoài.

Trong những năm tới, có thể số lượng lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình sẽ ngày càng tăng. Những yếu tố tác động tới sự ra tăng về số lượng người lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam là do sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sự hạn chế về các dịch vụ chăm sóc y tế. Sự ra tăng số lượng lao động làm giúp việc gia đình trong nước cũng đã khiến họ ngày càng nhận ra nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài trong ngành nghề giúp việc gia đình tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động trong lĩnh vực này như Macao (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Cộng hoà Síp.

Do thiếu hụt lao động trong nước, nhiều nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục có nhu cầu tiếp nhận lao động làm giúp việc gia đình với số lượng lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là, trong bối cảnh có nhiều cơ hội mới đối với lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình ở nước ngoài,  các quốc gia láng giềng, trong đó có Philippines, Indonesia, Myanmar và Cambodia đã từng nhiều lần quyết định dừng đưa lao động giúp việc gia đình sang làm việc tại một số quốc gia tiếp nhận do có những bằng chứng về việc họ bị ngược đãi.

Trong tình hình hiện nay, Việt Nam tiếp tục hướng tới chỉ tiêu về số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài và cũng đã có nhiều hoạt động hợp tác song phương với một số thị trường trọng điểm có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động giúp việc gia đình. Ví dụ, Đài Loan đã huỷ bỏ quyết định dừng tiếp nhận lao động mới làm giúp việc gia đình từ Việt Nam được áp dụng từ năm 2005; Chính phủ Thái Lan đã đồng ý cho phép lao động Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp (đi theo các kênh không chính thức) trong lĩnh vực giúp việc gia đình tại đây đăng ký để được cấp giấy phép lao động 1 năm; Ả rập Xê út và Việt Nam gần đây cũng đã ký Bản Ghi nhớ về việc tiếp nhận lao động giúp việc gia đình Việt Nam.

Việc đảm bảo quyền lợi tối thiểu và hoạt động tuyển dụng minh bạch, có trách nhiệm cần được ưu tiên trong chính sách liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực giúp việc gia đình. Các yếu tố này có vai trò rất quan trọng vì lao động giúp việc gia đình đặc biệt dễ bị lạm dụng hơn so với lao động làm việc trong các lĩnh vực ngành nghề khác.

Những yếu tố khiến lao động giúp việc gia đình có đặc thù dễ bị tổn thương bao gồm bản chất của công việc gắn liền với yếu tố giới, môi trường làm việc trong gia đình có thể làm tăng tính phụ thuộc và dễ bị lạm dụng, người lao động bị hạn chế giao tiếp với gia đình ở quê nhà, hạn chế tiếp cận những dịch vụ hỗ trợ cũng như tổ chức công đoàn có thể bảo vệ và hỗ trợ những nhu cầu của họ.

Không được giao tiếp với gia đình là một vấn đề cụ thể mà nhiều lao động Việt Nam làm giúp việc gia đình ở nước ngoài thường gặp phải, nhất là khi nhiều lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài là nữ giới, đã có gia đình và con cái ở trong nước, và họ đi làm việc ở nước ngoài chỉ với mục đích kiếm thu nhập hỗ trợ gia đình.

Hơn nữa, lao động giúp việc gia đình, cụ thể là lao động giúp việc gia đình làm việc ở nước ngoài, thường không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động của quốc gia hoặc ít được bảo vệ hơn so với các loại hình lao động khác tại các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận như Đài Loan, Thái Lan và Ả rập xê út. Hiện nay, có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình tại Ả rập xê út. Tại đây, mà sự bảo vệ về pháp lý đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực này là rất hạn chế. Ví dụ như theo luật pháp của Ả rập xê út, người lao động được nghỉ tối thiểu 9 tiếng mỗi ngày nhưng thưòng thì bất cứ lúc nào chủ sử dụng yêu cầu, người lao động đều phải làm việc.

 

Trong thời gian tới Việt Nam sẽ đàm phán về hợp đồng mẫu với Ả rập xê út để chi tiết hóa những điều kiện cơ bản về việc làm đối với lao động giúp việc gia đình và điều quan trọng là hợp đồng mẫu này sẽ quy định những quyền lợi tối thiểu để bảo đảm người lao động làm việc trong lĩnh vực này được bảo vệ một cách đầy đủ. Việt Nam cần phát huy kinh nghiệm của mình trong các cuộc đàm phán, trên cơ sở đã có những bước đi cụ thể nhằm cải thiện quyền lợi của lao động làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình tại Việt Nam với việc thông qua Nghị định số 27/2014/NĐ-CP trong đó quy định một số quyền lợi tối thiểu nhất định của lao động giúp việc gia đình phải được giao kết trong hợp đồng lao động.

Ngày quốc tế Lao động giúp việc gia đình là một dịp để chúng ta ghi nhận sự đóng góp của tất cả người lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình, bao gồm các những người đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài, trong bối cảnh lĩnh vực này sẽ ngày càng được mở rộng trong thời gian tới. Điều quan trọng là sự ghi nhận này sẽ góp phần kêu gọi, thúc đẩy tăng cường quyền lợi tối thiểu, được đảm bảo đối với người lao động.

Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam đã ra mắt bản thông tin tóm lược nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Lao động giúp việc gia đình với tiêu đề: Xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài. Tài liệu này có thể download tại http://www.ilo.org/hanoi/Whatwedo/Publications/WCMS_376174/lang--vi/index.htm