Phát biểu tại hội thảo Các phương pháp giáo dục tích cực và thúc đấy sự tham gia của trẻ em (ngày 10, 11/11), bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD cho rằng, người lớn rất ít khi hỏi ý kiến trẻ: “Con có ý kiến như thế nào? Con có sự lựa chọn hay quyết định như thế nào?”. Khi trẻ còn bé chúng ta có xu hướng sắp đặt, áp đặt mọi thứ cho trẻ khiến trẻ phải nghe theo một cách thụ động, nhưng lại mong chờ khi lớn lên, trẻ sẽ chủ động, tư duy độc lập, có chính kiến là rất mâu thuẫn. Do đó, hãy thúc đẩy sự tham gia của trẻ từ khi còn nhỏ. Đó không chỉ là việc giáo dục, phát triển, đảm bảo quyền và sự tham gia của trẻ em mà còn góp phần xây dựng một thế hệ công dân văn minh, có tư duy, thông minh, có giải pháp và biết ra quyết định khi trưởng thành, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Bà Nguyễn Phương Linh kêu gọi thúc đẩy sự tham gia của trẻ một cách thực chất: từ suy nghĩ tới hành động, để trẻ em được đưa ý kiến, được lựa chọn và được ra quyết định trong các vấn đề phù hợp liên quan tới trẻ em.
Trẻ em có thể có góc nhìn khác với người lớn, trẻ em cũng không phải người lớn thu nhỏ, nhưng các em cũng có những ý kiến chính kiến của riêng mình nên rất cần được tôn trọng dù là trong gia đình, nhà trường hay cộng đồng xã hội. Em Bùi Phạm Khánh Trâm – học sinh lớp 9 tại Quảng Ngãi tâm sự: Việc để trẻ em lên tiếng bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng sẽ giúp trẻ em tự tin hơn và có cơ hội có thêm thông tin, vốn hiểu biết hơn. Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian để quan tâm, chăm sóc, trò chuyện với các con mỗi ngày. Hãy kiên nhẫn lắng nghe để thấu hiểu con mình hơn và trở thành người đầu tiên chúng con nghĩ đến và tìm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Em cũng mong rằng các cơ quan hãy tổ chức nhiều hơn nữa những diễn đàn để trẻ em được lên tiếng. Hãy bắt đầu bằng yêu thương, vì yêu thương sẽ giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề và tạo ra một môi trường lành mạnh, an toàn để trẻ em được phát triển toàn diện.
Chia sẻ những nội dung khi tham gia giám sát việc thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá – Giáo dục, Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt đươc, việc thực thi vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức khi nhiều hoạt động chỉ lấy ý kiến đại diện trẻ em, còn mang tính chất trình diễn, chủ yếu để báo cáo; hoặc lấy ý kiến mà không theo đuổi xem những ý kiến đó được giải quyết như thế nào; hoạt động chưa thường xuyên, kịp thời, đại đa số mới chỉ tiếp nhận qua sự kiện như diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ, Hội đồng trẻ em, mạng xã hội; chưa có tổ chức/biện pháp tiếp nhận thường xuyên ý kiến của trẻ em và xử lý phân loại, chuyển gửi các cơ quan giải quyết; Chưa chạm tới các nhóm yếu thế, khó khăn; Còn thiếu kênh phản hồi: Chưa có báo cáo rà soát cụ thể về kết quả tiếp thu/thực hiện/giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em; Chưa có nhiều và chưa có sẵn những công cụ hỗ trợ đại biểu dân cử, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức làm việc về trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em dễ dàng hơn, thuận tiện hơn khi thực hiện vai trò giám sát của mình.
Bà Hải cũng đề nghị có những nghiên cứu sâu về thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam, trong đó có tính đến yếu tố văn hóa, phù hợp vùng miền để việc tham gia được hiệu quả; Tăng cường phát huy đội ngũ tuyên truyền viên là trẻ em; Tăng cường cung cấp thông tin, giới thiệu mô hình, trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em giữa các quốc gia, nhất là trong khu vực, các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam; Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với Đoàn TNCSHCM thúc đẩy hoạt động của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; Có biện pháp thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như hiện nay; Sớm hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em, trong đó có các thông tin, dữ liệu về thực hiện quyền tham gia của trẻ em.