Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quyền trẻ em hài hòa với Công ước Quốc tế, Luật Trẻ em

Việt Nam hiểu rõ nghĩa vụ và trách nhiệm khi ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em
 
Ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em. Ngay sau đó, vào đầu năm 1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước này. Việt Nam khẩn trương và nhanh chóng ký công ước này vì nội dung của Công ước phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền trẻ em. Điều này đã được thể hiện trong Hiến pháp của đất nước, các văn kiện của Đảng và nhiều văn bản pháp quy khác.
 
Phải thấy rằng, sau khi ký Công ước, Việt Nam bắt tay vào soạn thảo các đạo luật để quyền trẻ em hài hòa với Công ước Quốc tế và Luật Trẻ em của Việt Nam. Ngay đầu năm 1991, Việt Nam đã ban hành hai đạo luật quan trọng nhằm bảo vệ quyền trẻ em. Đó là “Luật Phổ cập giáo dục tiểu học” và “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. 
 
Trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến năm 2016, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trẻ em. Đây được xem là đạo luật khá hoàn chỉnh quy định về các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Luật này đã bổ sung các quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn trong thực hiện các quyền trẻ em; Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; Bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội...
để có những điều chỉnh cho phù hợp.


Việt Nam cam kết mọi trẻ em đều được bảo đảm các quyền của mình theo Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em. Ảnh: Trang Thanh
 
Đáng lưu ý, Luật Trẻ em 2016 đã tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em. Luật này cũng đã thể hiện rõ tính phù hợp trong điều kiện hội nhập quốc tế - đã áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người, quyền trẻ em, làm hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước về quyền trẻ em cũng như các điều ước quốc tế khác có liên quan. Luật cũng đã thể hiện Việt Nam luôn tiếp thu khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc đối với Việt Nam. Điều này được thể hiện cả trong các văn bản và trên thực tế. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mọi cam kết để tạo môi trường cho trẻ em phát triển toàn diện, thực hiện được tất cả các quyền của mình.


Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mọi cam kết để tạo môi trường cho trẻ em phát triển toàn diện, thực hiện được tất cả các quyền của mình. Ảnh: Hòa Bình 
 
Hiểu rõ nội dung, tạo ra sự hài hòa giữa Công ước quốc tế và Luật Trẻ em
 
Cần phải nói rõ điều này: Trong Công ước quốc tế, khái niệm “Trẻ em” được xác định là những người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đây là một điều luật mở cho các quốc gia thành viên, vì vậy Trong Luật Trẻ em, khái niệm “Trẻ em” là người dưới 16 tuổi. Về độ tuổi, hai văn bản này có khác nhau nhưng được chấp nhận vì Điều 1 của Công ước ghi rõ: “Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Như vậy, Việt Nam là trường hợp pháp luật được áp dụng với trẻ em quy định tuổi thành niên sớm hơn. Điều này phù hợp với điều kiện lịch sử và kinh tế - xã hội của Việt Nam ở thời điểm này.
 
Quan trọng là các quy định cơ bản trong Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em đối với các quốc gia thành viên được thể hiện rõ tại Điều 2, Điều 4 và Điều 33 được Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt. Theo đó, Việt Nam thi hành mọi biện pháp thích hợp để bảo đảm cho trẻ em tránh khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử, hoặc trừng phạt vì lý do về địa vị, hoạt động, những ý kiến phát biểu hoặc tín ngưỡng của cha mẹ, người giám hộ pháp lý hoặc những thành viên trong gia đình của trẻ em. 
 
Việt Nam đã nỗ lực thực hiện mọi biện pháp thích hợp, bao gồm những biện pháp lập pháp, hành pháp, xã hội và giáo dục để bảo vệ trẻ em khỏi bị lôi kéo vào việc sử dụng bất hợp pháp các chất ma túy và kích thích thần kinh như đã được quy định trong các điều ước quốc tế có liên quan, và để ngăn ngừa việc sử dụng trẻ em vào việc sản xuất, buôn bán bất hợp pháp các chất đó. 
 
Cần nhấn mạnh, theo Luật Trẻ em năm 2016, trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyền trẻ em thuộc nhiều cơ quan khác nhau như: Quốc hội thực hiện giám sát tối cao; Bộ LĐTBXH thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật hiện hành; Mặt trận Tổ quốc phụ trách giám sát và phản biện xã hội; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của trẻ em; Hội Bảo trợ trẻ em cùng tham gia giám sát. Ở đây cần chú ý tổ chức, sắp xếp để sự tham gia của nhiều bên không trùng lặp, chồng chéo, hoặc bị chia cắt, manh mún. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan giám sát để đảm bảo tính thống nhất, tạo được kết quả tốt trong giám sát để phục vụ cho việc hoạch định chính sách về trẻ em. Luật Trẻ em 2016 quy định việc bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
 
Luật Trẻ em 2016 mới được thực hiện chưa lâu (Luật có hiệu lực từ 1/6/2017), nhưng đã chứng tỏ được hiệu quả của mình. Sự hài hòa quyền trẻ em với Công ước Quốc tế đã được Luật Trẻ em 2016 thể hiện. Mọi việc diễn ra trong cuộc sống sẽ được các chuyên gia theo dõi, tổng kết 
 

Nguyên Hồ /GĐTE