* Thưa Thứ trưởng, đến thời điểm này Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện các giải pháp gì để hạn chế tình trạng lao động hết hạn hợp đồng, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc?
- Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ban, ngành Trung ương và địa phương thực hiện rất nhiều giải pháp. Giải pháp đầu tiên là tuyên truyền vận động người lao động cũng như thân nhân, gia đình người lao động, tuy nhiên cũng vấp phải những trở ngại nhất định vì thu nhập bên Hàn Quốc cao 25-30 triệu đồng, còn về nước thì tình hình kinh tế khó khăn hơn, khó có chỗ nào đảm bảo được mức lương như vậy.
Điều này cũng thông cảm cho người lao động nhưng thực tế vì những người ở lại trái phép mà khiến 35-40.000 người không có cơ hội đi Hàn Quốc. Vì vậy người lao động cũng phải chia sẻ, thực hiện đúng pháp luật, phải có trách nhiệm với cộng đồng để tạo cơ hội cho người khác. Tuyên truyền cũng sẽ thực hiện tập trung tại một số tỉnh, hiện 15 tỉnh đang có số lao động ở lại trái phép nhiều nhất, chiếm tới 85% số lao động ở lại bất hợp pháp, dẫn đầu là Nghệ An với hơn 1.450 người, Hà Nội 940, Hải Dương 850, Thanh Hóa 820 người... địa phương thấp nhất là Hải Phòng với 245 người.
Chỉ thị 12 của Thủ tướng năm 2014 có giải pháp xem xét hạn chế những tỉnh có đông lao động ở lại bất hợp pháp tham gia chương trình này. Hiện Bộ cũng dự kiến trình Chính phủ những tỉnh có đông lao động ở lại bất hợp pháp sẽ không được tham gia đưa lao động đi nếu nối lại được thỏa thuận hợp tác với Hàn Quốc, hoặc có thể những tỉnh này vẫn tham gia nhưng huyện nào có đông lao động ở lại bất hợp pháp không được tham gia... nhằm tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương.
Lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài (nguồn Internet).
* Thứ trưởng có thể cho biết, đến thời điểm này tỷ lệ lao động bất hợp pháp là bao nhiêu?
- Trước đây, tỷ lệ này có lúc lên rất cao tới 44-45% nhưng hiện nay vẫn khoảng 31-32%, trong khi 15 nước có lao động phái cử đến Hàn Quốc thì tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp khoảng 15-17%. Chính vì vậy phía Hàn Quốc rất mong muốn Việt Nam có nhiều giải pháp để làm sao trước mắt giảm xuống tỷ lệ dưới 30% vì phía bạn cũng biết nếu giảm ngay xuống bằng các nước khác là khó. Chúng tôi hy vọng thời gian tới, 15 tỉnh có số lao động ở lại đông nhất sẽ vận động được con em mình về nước để tạo cơ hội cho những lao động khác. Và phía Hàn Quốc cũng có thể ký lại thỏa thuận với Việt Nam.
* Bên cạnh thị trường Hàn Quốc, Thứ trưởng có thể cho biết thêm thông tin về thị trường Đài Loan và Nhật Bản?
- Đối với thị trường Đài Loan hiện nay nổi lên 2 vấn đề là đơn khiếu nại về thu phí cao khá nhiều và vẫn còn tình trạng thu cao so với quy định của Bộ. Câu chuyện này giải quyết cũng không dễ dàng nhưng Bộ cũng có lộ trình yêu cầu các doanh nghiệp giảm phí. Chúng tôi rất mong muốn tình hình khiếu nại, khiếu kiện của lao động ở thị trường Đài Loan cũng nên xử lý đúng quy định của pháp luật. Một trong những yêu cầu là trong chương trình giáo dục định hướng đưa những quy định về khiếu nại, tố cáo vào để người lao động hiểu. Hiện nay theo luật thì trong vòng 180 ngày là thời hiệu khiếu nại, nhưng có lao động ở đến năm thứ 3, thậm chí còn 3 ngày về nước vẫn gửi đơn khiếu nại, có lao động về nước rồi vẫn gửi đơn khiếu nại. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực nếu người lao động khiếu nại thì thương lượng để trả phí nhưng điều đó tạo sức ép cho tất cả các doanh nghiệp. Bởi trước đây để cạnh tranh được hợp đồng thì có thể lao động đã phải trả phí cao hơn và người lao động phải chấp nhận phí đó.
Để giải quyết vấn đề phí cũng có nhiều giải pháp. Cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải đồng lòng trong thương lượng hợp đồng với Đài Loan. Đối với công ty môi giới Đài Loan cũng phải có biện pháp kỹ thuật để giảm phí. Bên cạnh đó, Bộ Lao động Đài Loan cũng phải ủng hộ câu chuyện giảm phí, tránh tạo sức ép về mặt kinh tế cho người lao động. Có như thế ý thức tuân thủ hợp đồng, không ở lại cư trú bất hợp pháp mới tốt hơn.
Còn đối với thị trường Nhật Bản, con số mới ở mức cảnh báo với tỷ lệ khoảng gần 4,5%. Song phía Nhật đặt yêu cầu cao hơn, nếu quá 5% thì sẽ dừng thị trường này. Chúng tôi đã yêu cầu trong việc giảm phí như: Công khai minh bạch trong thông tin; đàm phán với đối tác Nhật Bản để không tạo sức ép về tài chính với người lao động. Chúng tôi cũng chỉ đạo bất kỳ doanh nghiệp nào có tỷ lệ lao động ở lại cư trú bất hợp pháp hơn 5% thì tự động rút ra khỏi thị trường Nhật Bản. Những quy định này để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bởi nếu thu phí không cao thì người lao động sẽ gắn bó với doanh nghiệp, thứ hai khi lao động làm việc ở nước ngoài gặp khó khăn mà bản thân họ không giải quyết được nhưng có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp thì sự gắn bó cũng tốt hơn.
* Thưa Thứ trưởng, có phải tính đến thời điểm này, công tác xuất khẩu lao động đã vượt chỉ tiêu năm 2015?
- Đúng vậy, tính đến thời điểm này chúng ta đưa hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu năm 2015. Có thể nói, phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài có thành công, có thu nhập tốt hơn và có tích lũy để sau khi về Việt Nam có cuộc sống ổn định hơn, kiếm được việc tốt hơn. Song, việc đưa lao động đi ở nước ngoài đôi khi không thể không xảy ra sai sót, tôi mong muốn các doanh nghiệp thực hiện bộ quy tắc ứng xử, tuân thủ pháp luật ở Việt Nam, nước sở tại, có trách nhiệm với người lao động từ tuyển dụng, đào tạo, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, có trách nhiệm khi họ về nước...