Trong bối cảnh tình hình ma túy trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy mới nguy hiểm, độc hại. Tội phạm ma túy dùng nhiều thủ đoạn buôn bán ma túy xuyên quốc gia với số lượng ngày càng lớn. Ở trong nước, các lực lượng chức năng đã tổ chức triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy tổng hợp hoạt động có tổ chức, tinh vi, manh động, thu giữ số lượng lớn ma túy.
Người sử dụng ma túy ngày càng có xu hướng trẻ hóa mà một trong những nguyên nhân cơ bản là tội phạm ma túy đã dùng nhiều thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tụ tập sử dụng ma túy tập thể trong nhà hàng, quán bar, vũ trường…,thậm chí mua bán ma túy ngay trong trường học, trong khi thanh thiếu niên, hoc sinh còn thiếu các kiến thức, kỹ năng cơ bản phòng ngừa ma túy.
Cả nước đang tập trung triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy với nhiều đổi mới và thu được những kết quả quan trọng. Văn bản của Thủ tướng Chính phủ triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm nay mang tính chỉ đạo cụ thể hóa đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống ma túy theo Chỉ thị 36-CT/TW và và chương trình hành động PCMT của Chính phủ và chuẩn bị cho việc thi hành Luật PCMT vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Bên cạnh chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức PCMT, tăng cường các nguồn lực, xã hội hóa công tác PCMT, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: "Mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy, tăng cường quản lý, giám sát. Phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng quảng cáo, sử dụng, mua bán trái phép các chất ma túy trên mạng xã hội, truy tố và xét xử các vụ án ma túy điểm để tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung".
Điểm mới trong chỉ đạo PCMT của Thủ tướng Chính phủ là đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa ma túy đối với tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên: "Tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCMT, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung PCMT vào chương trình và hoạt động của các cấp học".
Các hoạt động phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên còn được thể hiện ở nhiều nhiệm vụ được Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) giao cho các Bộ, ngành địa phương thực hiện năm 2021.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của UBQG giao. Có thể nói, đây là một kế hoạch lớn được xây dựng kịp thời, tổng thể có hệ thống khoa học về phòng ngừa trong trường học, như: để có căn cứ xây dựng chính sách, giải pháp, hoạt động phòng ngừa cần đánh giá chính xác thực trạng PCMT trong trường họ hiện nay, cần phối hợp thí điểm tại một số địa phương test thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông để có bức tranh tổng thể về tình hình sử dụng ma túy trong học sinh...
Các biện pháp nhòng ngừa được tổ chức đa dạng, nhiều tầng nấc, từ tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội cho thanh, thiếu niên, cán bộ đoàn, đội của các nhà trường trên toàn quốc đến triển khai Bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh" (một hoạt phòng ngừa có ý nghĩa đột phá, toàn diện lần đầu được thực hiện trong trường học ở nước ta) ; đồng thời xây dựng và triển khai sâu rộng dự án "Cùng chung tay bảo vệ Thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy" theo hình thức xã hội hoá"…
Nhiệm vụ phòng ngừa rất cơ bản được UBQG giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện là "Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên", còn Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội được giao "Nghiên cứu, đề xuất chính sách về dự phòng nghiện ma túy (DPNMT)" tức là xây dựng chương trình chung của cả quốc gia.
DPNMT (hay còn gọi là can thiệp dự phòng nghiện ma túy hoặc can thiệp dự phòng sử dụng ma túy) là thuật ngữ đã thành quen thuộc và thực hiện ở nhiều quốc gia từ hơn 20 năm nay, mang lại những hiệu quả, giá trị phòng ngừa lớn lao dựa trên bằng chứng. Năm 2013, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) đã ban hành "Chuẩn quốc tế về can thiệp dự phòng sử dụng ma túy" để các quốc gia xem xét, áp dụng.
"Mục tiêu chính của dự phòng ma túy nhằm giúp đỡ mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên, nhưng không chỉ hạn chế ở nhóm này, để phòng tránh hoặc trì hoãn việc sử dụng ma túy, hoặc, nếu đã sử dụng thì không phát triển các rối loạn (như tình trạng phụ thuộc).
Tuy nhiên, mục tiêu chung của dự phòng ma túy lớn hơn rất nhiều: nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh của trẻ em và thanh thiếu niên để nhận ra tài năng và tiềm năng của mình và trở thành các thành viên có ích của cộng đồng và xã hội. Dự phòng ma túy hiệu quả có đóng góp quan trọng cho sự tham gia tích cực của trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tại gia đình, trường học, nơi làm việc và cộng đồng". Mỗi đô la dành cho dự phòng, sẽ tiết kiệm ít nhất 10 đô la dành cho chi phí về y tế, xã hội và tội phạm trong tương lai".
Nói một cách dễ hiểu thì DPNMT là thực hiện (can thiệp) một hệ thống giải pháp có tính khoa học để phòng ngừa (dự phòng) mà cốt lõi là nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, làm thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu nguy cơ sử dụng ma túy, nghiện ma túy. Nó có nhiều điểm giống các giải pháp phòng ngừa của ta lâu nay nhưng phát triển cao, sâu rộng hơn đa dạng hơn, kết hợp nhuần nhuyễn các giải pháp và khoa học và thực tiễn, do vậy, hiệu quả hơn. Chương trình DPNMT được xây dựng, triển khai tại trường học, nơi làm việc, tại gia đình, trong cộng đồng xã hội.
Kết hợp, thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp giảm cung với giảm cầu, đặc biệt là xây dựng và thực hiện bài bản chương trình dự phòng nghiện ma túy sẽ từng bước làm giảm giảm tội phạm ma túy, giảm người sử dụng, nghiện ma túy ở nước ta.