Năm 2020, do ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 và giá dầu thô giảm mạnh nên đã tác động rất lớn đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020; ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư, thu ngân sách nhà nước, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu; một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm quy mô, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh; đời sống của một bộ phận người lao động bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn...
Tuy vậy, kinh tế tỉnh tiếp tục phát triển; quy mô tổng sản phẩm tăng khá; 3 nhiệm vụ đột phá và 3 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX được tập trung chỉ đạo thực hiện đạt một số kết quả khả quan. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2020 ước đạt 55.579 tỷ đồng. GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 4,83%/năm; nếu không tính sản phẩm lọc dầu, tăng bình quân 8,5%/năm.
Trong đó, công nghiệp đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp (GOCN) 5 năm qua ước đạt 584.106 tỷ đồng, chiếm 70% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh (829.150,12 tỷ đồng). Tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng trong tổng lao động chiếm 32%. Năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.791 USD, gấp 1,21 lần so với năm 2015.
Hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển khá. Trong 5 năm, có khoảng 1.240 dự án, công trình được đầu tư, xây dựng. Một số dự án lớn đề ra trong Nghị quyết XIX và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đến nay cơ bản đã hoàn thành như: cầu Cổ Lũy, cầu Thạch Bích, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 1 (đoạn Dốc Sỏi - Khu công nghiệp VSIP), cảng Bến Đình và một số công trình y tế được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, 98,3% đường tỉnh, 77,2% đường huyện, 68,2% đường xã, 41,6% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, cứng hóa; 100% xã phủ lưới điện quốc gia.
Môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư từng bước được cải thiện, có mặt chuyển biến tích cực. Đã thu hút hơn 780 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 320.401 tỷ đồng (13,35 tỷ USD) và 64 dự án đầu tư FDI tổng vốn đăng ký 1,954 tỷ USD; trong đó, có một số dự án đã đi vào hoạt động như Thép Hòa Phát, Doosan Vina, các dự án trong Khu công nghiệp VSIP, góp phần hình thành các sản phẩm mới, tăng quy mô nền kinh tế cũng như giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Với mong muốn đổi mới, khát vọng vươn lên, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi xác định năm sau phải phát triển cao hơn năm trước, so sánh mức độ phát triển của tỉnh với các tỉnh lân cận và vùng miền Trung.
Quan điểm của tỉnh trong nhiệm kỳ đến: Khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng, niềm tin phát triển trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ tư duy; khơi dậy tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững. Phát triển kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu, lấy tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, bền vững làm hướng chủ đạo.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lấy giá trị văn hóa, con người làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, văn minh.
Xác định rõ quan điểm phát triển, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phát huy tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng theo mục tiêu tổng quát của 5 năm tới. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung; tạo tiền đề để đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.
Để làm được điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải chung sức, đồng lòng vượt lên chính mình, đổi mới tư duy, quyết liệt hành động để tạo sức bật phát triển mới trên tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm là lực lượng phát triển chủ yếu.
Để hoàn thành được mục tiêu nêu trên cùng với việc thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển mọi mặt của tỉnh, Quảng Ngãi sẽ tập trung phát triển kinh tế.
Đó là giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gắn với bền vững môi trường; giảm phụ thuộc sự tăng trưởng kinh tế vào sản phẩm lọc hóa dầu; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp và đẩy mạnh hội nhập; giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ; nâng mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của cả nước; hình thành và phát triển các cụm ngành hợp lý, có lợi thế; đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh kinh tế biển đảo…
Về các đột phá, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển.
Theo đó, quan điểm về phát triển công nghiệp trong thời gian tới là phải tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh thu hút, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ngoài dầu. Vì vậy, cần tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, các khu, cụm công nghiệp, nhất là nguồn lực của các nhà đầu tư, kinh doanh hạ tầng.
Phối hợp với bộ, ngành Trung ương xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia trên địa bàn Khu kinh tế (KKT) Dung Quất; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các dự án điện khí tại KKT Dung Quất... Rà soát toàn diện các cơ chế, chính sách, xem xét đổi mới tư duy, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, cải tổ mạnh mẽ mô hình hoạt động của KKT Dung Quất; dành đầy đủ nguồn lực để phát triển KKT Dung Quất trở thành một trung tâm công nghiệp, thành phố công nghiệp của miền Trung.
Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thu hút khoảng 1,0 - 1,5 tỷ USD; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 950 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 77.000 lao động.