Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ra đi làm thuê, trở về thành ông chủ

Không may mắn được sinh ra trong gia đình khá giả. Tuổi thơ ngập ngụa trong đói nghèo, giấc mơ chỉ là được ăn no, mặc ấm. Điều đó đã làm ý chí quyết vượt khó, vượt khổ để làm giàu của họ. Rời quê hương, họ chấp nhận làm đủ thứ việc không tên... để tích cóp vốn, kinh nghiệm và trở thành những ông chủ từ “kiếp” làm thuê.

Quyết tâm vượt khó làm giàu

Thái Đình Dũng, sinh năm 1976. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn, đá sỏi (xã Sơn Thành,Yên Thành, Nghệ An). Bố mẹ làm nông nghiệp, gia đình đông anh em. Quê nghèo, ruộng đồng khô cằn, nên cái đói luôn đeo đuổi. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp THPT, cũng như bao lứa bạn, Dũng cũng thực hiện ước mơ là thi vào đại học. Nhưng ước mơ vào đại học của Dũng đã không thành công. Chán nản, Dũng lang thang chơi bời cùng lũ bạn mà không chịu làm ăn, tương lai trở nên mù mịt... Con đường tương lai của Dũng trở lại sau ngày anh được gọi nhập ngũ. Vào quân ngũ, được rèn luyện thể lực và bản lĩnh chính trị. Xuất ngũ trở về với suy nghĩ mình có sức khỏe, được học hành thì không thể nghèo khổ mãi được.

Anh Thái Đình Dũng nhắc nhở công nhân làm việc trong xưởng may của mình.

Nghĩ là làm, về quê, anh bắt đầu tìm cách lao động, sản xuất làm giàu. Thế nhưng sau bao cố gắng anh vẫn không thoát ra khỏi cái nghèo, cái khó. Không chịu khuất phục khó khắn, anh rời quê vào miền Nam làm thuê với đủ mọi nghề  nhưng cái nghèo vẫn bủa vây cuộc sống.

Bước ngoặt lớn để anh trở thành ông chủ, khi anh được một người bà con đang làm ăn ở Nga, bảo lãnh để anh sang Nga làm việc. Vay mượn tiền anh em bà con, cầm cố ngân hàng, để sang Nga lao động. Sau nhiều năm làm thuê ở Nga, anh đủ tiền gửi về trả nợ và có chút vốn để về quê lập nghiệp. Năm 2008, Dũng cùng Vợ trở về quê hương để lập nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về thị trường nên những năm đầu trở về quê hương, Dũng tiếp tục đi làm thuê cho Cty may Haivina tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.  Ba năm làm thuê đã cho anh kinh nghiệm để sản xuất, kinh doanh. Năm 2012, anh về lại Yên Thành, nhận thấy lực lượng lao động dư thừa nhiều. Nhiều lao động phải vào tận miền Nam làm công nhân may mặc. Đi xa, thuê trọ vất vả nhưng lương cũng chỉ được 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Anh quyết định mở xưởng may để tận dụng lực lượng lao động dư thừa tại địa phương. Ban đầu số lượng công nhân chỉ khoảng chục người. Nhưng nhờ sự chịu khó tìm kiếm nguồn hàng của ông chủ, xưởng may ngày càng có nhiều khách đến đặt gia công.

Đến nay xưởng may của anh đã thu hút hàng trăm lao động làm thuê từ miền Nam trở về quê hương để làm công nhân tại xưởng của anh. Thời điểm hiện tại, xưởng may của anh có khoảng 120 lao động, với hai xưởng may, 130 máy may công nghiệp làm việc suốt ngày đêm. Thu nhập của các công nhân bình quân hơn 3 triệu đồng/lao động/tháng. Chị Thơm, công nhân tại xưởng may của anh Dũng, tâm sự: “Về đây gần nhà, không lo chuyện ăn ở, lương lại cao hơn làm trong Nam, bọn em thích lắm. May mà có anh Dũng về mở xưởng may, bọn em cũng được sướng lây...”.

Mang kiến thức về làm ông chủ

Nhắc tên Nguyễn Đàm Văn, có lẽ ít người biết tới, nhưng nói đến tập đoàn xe Văn Minh thì người dân từ miền Trung trở ra có lẽ không ai là không biết. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước khi trở thành ông chủ của Cty du lịch Văn Minh, ông chủ của Cty tên tuổi này từng là một người đi làm thuê.

Năm 2003, sau khi từ Đức trở về, Nguyễn Đàm Văn, sinh năm 1976, xóm 12 xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, bắt đầu kinh doanh khách sạn và lữ hành. Vốn ít, kinh nghiệm thiếu nên những năm đầu Cty gặp vô vàn khó khăn, nhưng với bản lĩnh của một thanh niên Nghệ, Nguyễn Đàm Văn không lùi bước, tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.

 

Ông Nguyễn Đàm Văn, Chủ tập đoàn xe Văn Minh (bên phải), chia sẻ với phóng viên Báo LĐ&XH.

Cơ duyên đến với kinh doanh vận tải hành khách của công ty cũng rất tình cờ. Trong thời gian kinh doanh du lịch vì không có xe để đưa đón đoàn nên phải thuê. Nhiều lần thuê xe không được, anh quyết định mua một chiếc xe để đưa đón đoàn. Nhưng du lịch theo mùa, nên những mùa không có đoàn du lịch xe lại nằm không. Thấy phí, nên anh quyết định cho xe chạy tuyến đưa đón khách cố định. Và rồi từ một chiếc xe đã trưởng thành lớn mạnh như ngày hôm nay. Anh Nguyễn Đàm Văn chia sẻ: “Đầu óc kinh doanh và vốn thì nhiều người có, nhưng ở ta lúc đó những người kinh doanh chỉ muốn “ăn xổi”. Lúc bắt đầu kinh doanh mình thấy tâm lí đi xe của người dân ta rất tùy tiện, điều đó kéo theo sự tùy tiện của những doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Thế nên mình nghĩ phải làm thế nào để thay đổi thói quen của hành khách thì mới thành công được”.

Thời gian đầu chỉ với một xe, với cách làm mới mẻ là bán vé những điểm cố định, không bắt khách dọc đường. Lúc này tâm lí người dân chưa quen với việc mua vé xe cố định, nên xe chạy đường dài nhưng mỗi chuyến chỉ có vài hành khách. Công ty lỗ nặng, nhưng ông chủ Văn vẫn kiên trì theo đuổi tư duy kinh doanh của mình. Sau gần một năm chạy xe không (vì mỗi chuyến chỉ có vài hành khách), thì hãng xe Văn Minh bắt đầu có uy tín, vì chạy rất đúng giờ, không bắt khách dọc đường. Chạy rất an toàn và tạo được một thói quen đi xe hết sức chuyên nghiệp, lịch sự.

Người dân bắt đầu tìm đến xe văn Minh để di chuyển đường dài như một thói quen vì sự an toàn, lịch sự. Đến nay Cty anh đã có tới 28 chiếc xe giường nằm, hơn 40 xe trung chuyển và giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động.

 Anh Văn tâm sự: “Quản lí công việc và quản lí con người là hoàn toàn khác nhau. Quản lí công việc thì mình chỉ cần lo công việc hoàn thành theo ý mình là được. Nhưng quản lí con người thì mình phải hiểu tâm lí. Mình phải quan tâm anh em thực sự, xem anh em nhân viên như là đối tác của mình chứ không phải người làm công cho mình. Như vậy thì họ mới làm hết mình vì công ty, chứ mình có theo được họ liên tục để nhắc nhở họ lịch sự, nghiêm túc…đâu”.

Từ một người làm thuê, Nguyễn Đàm Văn đã trở thành một ông chủ, chăm lo đời sống cho hàng trăm cán bộ nhân viên. Tạo được một nét văn hóa mới trong việc kinh doanh vận tải hành khách và thói quen đi xe của khách hàng. Ba năm liền Công ty du lịch Văn Minh đều đạt giải thưởng Vô lăng vàng toàn quốc, do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức.