“Đất rừng phương Nam” ra đời năm 1957, là một trong những ấn phẩm đầu tiên của NXB Kim Đồng trong những ngày đầu thành lập. Cuốn sách xoay quanh cuộc đời chìm nổi của cậu bé An bị lưu lạc trong chiến tranh, được người dân cưu mang, trải qua một cuộc đời chìm nổi ở vùng sông nước Nam bộ.
Tác phẩm được đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất viết về thiếu nhi của nước ta, đã được tái bản nhiều lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha… Bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” được chuyển thể từ cuốn sách cũng được khán giả yêu mến.
Bìa cuốn sách “Đất rừng phương Nam”.
Điều gì làm nên nét “đặc biệt” của ấn bản này? Lần đầu tiên, độc giả sẽ được cầm trên tay một “Đất rừng phương Nam” bìa cứng in nổi, có jacket, trình bày đẹp và trang trọng, với 304 trang ruột được minh họa tươi mới, trẻ trung. Cuốn sách do họa sĩ Bích Khoa (La Khuê) vẽ bìa và Lý Minh Phúc minh họa.
Sách được in đúng 1925 bản để ghi nhớ năm sinh của nhà văn Đoàn Giỏi, người con ưu tú của mảnh đất Châu Thành (Tiền Giang). Đặc biệt, để tri ân tác giả và bạn đọc nhiều thế hệ từng yêu mến “Đất rừng phương Nam”, Nhà xuất bản ấn định giá bìa cho ấn bản đặc biệt này chỉ ở mức 90.000 đồng - một cách ghi dấu sự kiện tròn 90 năm ngày sinh của nhà văn Đoàn Giỏi.
Cũng nhân dịp này, NXB Kim Đồng kí bản quyền sử dụng tác phẩm với đại diện gia đình nhà văn Đoàn Giỏi để được độc quyền xuất bản 11 tác phẩm của ông.
Đó là những tác phẩm đã gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam: Cá bống mú (truyện, 1956), Đất rừng phương Nam (truyện, 1957), Cuộc truy tầm kho vũ khí (truyện, 1962), Trần Văn Ơn (truyện kí, 1955), Cây đước Cà Mau (truyện kí), Rừng đêm xào xạc (truyện kí), Tiếng gọi ngàn (truyện kí), Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày (truyện kí, 1988), Những chuyện lạ về cá (biên khảo, 1981), Tê giác giữa ngàn xanh (biên khảo, 1982), Tết Nguyên đán ở Nam bộ (kí).
Đây sẽ là một trọng tâm xuất bản của NXB Kim Đồng để sớm đem đến cho bạn đọc những trang viết tuyệt vời của nhà văn Đoàn Giỏi, người đã để lại “những dòng đẹp đẽ, đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam bộ thân yêu của Tổ quốc ta”. (dẫn lời của nhà văn Anh Đức).