Bước vào những trang sách của “Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời”, độc giả tựa như được ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỉ XX. Để hồi tưởng và để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc...
Cuốn sách là sự kết hợp giữa những trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội. Cùng với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu khảo cổ học đến tư liệu “sống” là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời” để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ XX đầy biến động.
Điều đặc sắc của cuốn sách hướng tới sự bình thường, những thứ phổ biến trong cuộc sống nhưng lại là sự kết tinh của văn hóa ứng xử. Qua cuốn sách, tác giả Vũ Thế Long muốn thể hiện tình yêu với Hà Nội. Bởi theo ông, tình yêu Hà Nội không chỉ là màu vàng mùa thu mà tình yêu Hà Nội còn trong mỗi bữa ăn, trong những đau khổ khốn khó của con người đã vượt qua những năm bom đạn hay trong những năm bao cấp…
Ra đời trong sự trăn trở của tác giả về những giá trị văn hoá xưa của thủ đô nghìn năm văn hiến, cuốn sách được kỳ vọng sẽ góp phần bảo tồn những giá trị nguyên bản của ẩm thực Hà Nội cũng như những phong tục ăn uống của ông bà cha mẹ chúng ta khi xưa.
Khi lối ăn uống của người Việt còn nhiều biến đổi, có nhiều món ăn, kiểu ăn có thể sẽ biến mất thì việc tôn vinh và gìn giữ những giá trị trong truyền thống văn hoá ẩm thực của dân tộc Việt Nam là điều mà chúng ta ai cũng mong mỏi.