Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ra mắt tiểu thuyết “Con cháu của họ cũng thế thôi” từng đoạt giải Goncourt năm 2018

Đào sâu vào số phận nghiệt ngã của một lớp người trẻ đang đi tìm con đường cho cuộc đời mình giữa một thế giới lụi tàn, “Con cháu của họ cũng thế thôi”, tác phẩm đoạt giải Goncourt năm 2018 sẽ chính thức ra mắt độc giả Việt Nam vào lúc 9h30-11h, thứ 7, ngày 02/12/2023 tại Hà Nội với sự tham gia của PGS. TS. Phùng Ngọc Kiên và nhà văn Hiền Trang.

“Con cháu của họ cũng thế thôi” mô tả một nước Pháp của thập niên 90

“Con cháu của họ cũng thế thôi” mô tả một nước Pháp của thập niên 90

Được sáng lập nhằm vinh danh tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm, giải Goncourt, giải thưởng văn học hàng đầu nước Pháp đã làm bệ phóng cho nhiều cây bút xuất sắc, khẳng định tài năng và tên tuổi của họ trong làng văn chương Pháp và quốc tế.

Giải Goncourt là sự bảo chứng cho các tác phẩm đạt giải, khiến nó trở thành niềm mơ ước của các nhà văn và tiểu thuyết gia. Hằng năm, tác phẩm chiến thắng nhận được sự quan tâm từ đông đảo công chúng.

Ở Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm Goncourt được xuất bản, có thể kể đến “Dưới bóng những cô gái đương hoa” (Marcel Proust), “Cuộc sống ở trước mặt” (Romain Gary), “Người tình” (Marguerite Duras), “Phố những cửa hiệu u tối” (Patrick Modiano)…

Kế thừa di sản những tiểu thuyết xã hội của những nhà văn Victor Hugo, Émile Zola, Balzac, “Con cháu của họ cũng thế thôi” mô tả một nước Pháp của thập niên 90 đang rệu rã trong cơn sốt giải công nghiệp hoá diễn ra ở Pháp nói riêng và ở các nước phát triển nói chung từ thập niên 1970, do những cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp.

Sự tăng trưởng nhanh chóng để khôi phục đất nước thời hậu chiến (thập niên 50-60) đã tạo ra những bong bóng kỳ vọng lạm phát cho con người, để rồi tất cả vỡ tung khi bước vào thập niên bảy mươi, thời kỳ các nhà máy đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, những xưởng sản xuất một thời hoạt động hết công suất giờ đây chỉ còn là những bãi phế thải. Chủ đề nước Pháp giai đoạn này cũng là nguồn cảm hứng của nhiều nhà văn.

Tên cuốn sách, “Con cháu của họ cũng thế thôi” được nhà văn Nicolas Mathieu lấy cảm hứng từ Kinh Thánh. Trong lời tựa của cuốn sách, nhà văn giành giải Goncourt năm 2018 trích dẫn một phần của Sách Huấn Ca: “Có những người không còn ai nhớ nữa, họ qua đi như chẳng bao giờ có, họ sinh ra mà như chẳng chào đời, “Con cháu của họ cũng thế thôi”!” như một dự báo về số phận của các nhân vật trong cuốn sách.

“Con cháu của họ cũng thế thôi” tái hiện những khung cảnh đầy hoài niệm và đồng điệu sâu sắc với cả một thế hệ lớn lên trong thập niên chín mươi của thế kỷ trước.

Qua câu chuyện về những mảnh đời nhỏ bé nơi thị xã Heillange, Nicolas Mathieu không chỉ viết nên cuốn tiểu thuyết về một thung lũng, một thanh xuân lãng mạn mà về cả một đất nước, một thời kỳ và một lớp người trẻ đang đi tìm con đường cho cuộc đời mình giữa một thế giới lụi tàn.

Nicolas Mathieu là tiểu thuyết gia người Pháp sinh năm 1978 tại Épinal trong một gia đình có cha là thợ cơ điện và mẹ là kế toán. Anh tốt nghiệp ngành Nghệ thuật biểu diễn tại Đại học Metz (nay là Đại học Paul-Verlaine) và trải qua nhiều công việc như nhà báo, thư ký,… trước khi bắt đầu sáng tác văn học.

Nicolas Mathieu sớm khẳng định được tài năng ngay từ tiểu thuyết đầu tay với hàng loạt giải thưởng uy tín. Được đánh giá là cây bút tài năng của thế hệ nhà văn mới, trong các tác phẩm của mình, Mathieu thường đan xen những điều bình dị thân thuộc với yếu tố chính trị, qua đó thể hiện nỗi bất lực trước xã hội và cơn thịnh nộ mang tính hiện sinh. Nhiều tác phẩm của anh đã được chuyển thể thành phim như "Aux animaux la guerre", "Connemara" và “Con cháu của họ cũng thế thôi”.

Tác giả người Pháp từng giành được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó phải kể đến giải Goncourt danh giá năm 2018 dành cho tiểu thuyết “Con cháu của họ cũng thế thôi” – được tạp chí văn học Lire đánh giá là một trong những cuốn sách xuất sắc nhất năm 2018, lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy tại Pháp với hơn 400.000 bản được bán ra và đã được dịch sang hơn hai mươi thứ tiếng.