Trên đường bộ, Cảnh sát giao thông triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để phát hiện, xử lý vi phạm, quản lý công tác cán bộ, chiến sĩ; tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải trọng, chạy quá tốc độ…
Đồng thời, Cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành gây cản trở giao thông, chống lại lực lượng thi hành công vụ; phòng, chống đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, chủ động ngăn chặn ngay từ khi nhen nhóm; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.
Trên đường sắt, Cảnh sát giao thông tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng các phương tiện giao thông đường bộ vượt đèn đỏ, chắn tàu khi đã đóng tại các đường ngang; xây dựng các công trình lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; xử lý, giải quyết tình trạng mở lối đi tự phát…
Trên đường thủy nội địa, Cảnh sát giao thông chủ động và phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm, phức tạp, các tuyến đường thủy du lịch từ bờ ra đảo.
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc cũng tổ chức tốt công tác nắm tình hình, rà soát lại toàn bộ phương án phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới cho phù hợp, kịp thời huy động lực lượng, phối hợp và bố trí lực lượng thường trực, ứng trực để giải quyết khi có dấu hiệu ùn tắc giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, đường Hồ Chí Minh...
Đợt cao điểm bắt đầu thực hiện từ ngày 15/4 đến hết 15/5/2022.