Mức phạt cao nhất: 40 triệu đồng/ hành vi vi phạm
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, các doanh nghiệp rà soát bộ máy hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hướng dẫn tại quy định kèm theo Quyết định số 19/2007/QĐ-BLĐTBXH. Đồng thời, báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về tổ chức bộ máy hoạt động và việc giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cho các đầu mối kèm theo Quyết định thành lập, giao nhiệm vụ, ủy quyền/bổ nhiệm người đứng đầu, danh sách trích ngang cán bộ làm việc tại các đầu mối nêu trên; giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về tuyển chọn, quản lý lao động và chế độ báo cáo theo quy định tại Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Nghị định số 126/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài. (Ảnh minh họa)
Đại diện Cục Quản lý lao động khẳng định, các doanh nghiệp không báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động theo yêu cầu của công văn số 2271/QLLĐNN-PCTH sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không báo cáo đột xuất theo quy định tại Khoản 1, Điều 30, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các doanh nghiệp không thông báo việc giao nhiệm vụ cho chi nhánh (trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thông báo giao nhiệm vụ cho chi nhánh theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.
Đáng lưu ý, các doanh nghiệp không báo cáo, hoặc báo cáo không đầy đủ theo yêu cầu, sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ, mức phạt tiền cao nhất là 40 triệu đồng/hành vi vi phạm. Những doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính từ hai lần trở lên trong thời hạn 12 tháng, sẽ bị đình chỉ hoạt động 6 tháng theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 14 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Theo nội dung văn bản số 2271, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn, đào tạo và quản lý lao động; rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp, sắp xếp lại các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nhằm nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh. Hiện nay, Việt Nam có 6 Ban Quản lý lao động tại các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam. Một số doanh nghiệp có số lượng lao động lớn đã phối hợp với đối tác mở văn phòng đại diện tại nước sở tại, nhằm quản lý tốt hơn người lao động ở nước ngoài. Hy vọng với những nỗ lực ấy, hoạt động XKLĐ mau chóng đi vào nề nếp, nghiêm túc, hiệu quả hơn.
Thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan hữu quan đàm phán để sớm ký Hiệp định về hợp tác lao động với Thái Lan, Anggola, Algeria, Ma Cao, Cộng hòa Síp và ký lại Bản ghi nhớ về hợp tác lao động với Malaysia, Bản ghi nhớ với Hàn Quốc. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, trong thời gian tới, bên cạnh nghiên cứu phát triển các thị trường mới ở châu Âu, tiếp tục củng cố các thị trường truyền thống.
XKLĐ là hoạt động góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác. Chất lượng nguồn lao động là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Rõ ràng, để có được nguồn lao động chất lượng cao, từ người dân có nhu cầu XKLĐ, công ty cung ứng, nhà quản lý trong và ngoài nước cần tuân thủ các quy tắc, hoạt động có nề nếp, tạo ra một thương hiệu về chất lượng nguồn lao động trên thị trường quốc tế.