Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Rà soát các quy định đảm bảo nâng cao khả năng giữ và tích trữ nước

(Dân sinh) - Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội), Việt Nam là quốc gia mưa nhiều, sông suối dày đặc, địa hình nghiêng, sông lớn chủ yếu từ bên ngoài đổ về… Do vậy, việc giữ, tích trữ, sử dụng bền vững tài nguyên nước là rất quan trọng.

Quốc hội thảo luận hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ quan tâm đến nội dung về việc nâng cao khả năng giữ, tích trữ, dẫn nước, chuyển nước, khai thác, sử dụng bền vững và nâng cao giá trị của tài nguyên nước…

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Việt Nam là quốc gia mưa nhiều, sông suối dày đặc, địa hình nghiêng, sông lớn chủ yếu từ bên ngoài đổ về… Do vậy, việc giữ, tích trữ, sử dụng bền vững tài nguyên nước là rất quan trọng.

Từ tinh thần đó, đại biểu Trí đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định để đảm bảo nội dung này được đưa vào quy định về các chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước; đảm bảo ưu tiên đầu tư tìm kiến, thăm dò, nâng cao khả năng giữ và tích trữ nước trong thời gian tới.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định), đầm, hồ, nước đã được quy định và có điều luật điều chỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung điều luật về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ kênh đào...

Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng cần giải thích ý nghĩa rõ ràng đối với khái niệm “liên hồ chứa”. Vì khái niệm này được nhắc đến tại nhiều điều khoản trong luật nhưng chưa có giải thích cụ thể, đảm bảo tính pháp lý trong quá trình thực hiện. Liên hồ chứa được hiểu là nhiều hồ chứa nước trên cùng một con sông, khi vận hành các hồ chứa phải đảm bảo an toàn cho nhân dân ở lưu vực sông.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Về các hành vi cấm, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung để nghiêm cấm hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước làm suy giảm chức năng nguồn nước, gây sụt lún đất, suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước, để hạn chế tối đa nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng, làm suy thoái hay cạn kiệt nguồn nước. 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào khoản 8 Điều 24 chủ thể là chủ đầu tư dự án để đảm bảo tính bao quát, đầy đủ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Đối với kê khai đăng ký cấp phép thăm dò khai thác sử dụng tài nguyên nước, đại biểu đề nghị nghiên cứu gộp các quy định chủ yếu liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ quy mô nhỏ lại để tránh trùng lắp, dàn trải.

Đóng góp ý kiến thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.

Về vai trò của cộng đồng dân cư, đại biểu cho rằng cần nhấn mạnh quyền, nghĩa vụ của người dân, xem xét, có hướng dẫn cụ thể để đánh giá, tránh chồng chéo với Luật Bảo vệ môi trường và các pháp luật liên quan liên quan đến xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Dự thảo luật đã nêu khá đầy đủ các tác hại do nước gây ra cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, về phòng chống xâm nhập mặn, dự thảo luật quy định, việc quản lý, vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa, công trình điều tiết dòng chảy phải tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn.

Việc thăm dò, khai thác nước dưới đất ở vùng đồng bằng, ven biển phải bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn cho các tầng chứa nước dưới đất.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ cặn kẽ để trình Quôc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rà soát 48 luật liên quan, trong đó có vấn đề liên quan đến Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản… và sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản không đặt trong quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lý giải: Quy hoạch tài nguyên nước có 3 loại quy hoạch, đã quy định rõ trong Luật là quy hoạch tài nguyên nước nói chung; tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn nước liên quốc gia. Trong đó, quy hoạch của tổng thể điều tra gắn rất chặt đối với các điều về điều tra cơ bản, còn các quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước gắn với mục đích điều hòa, phân phối. 

Về liên quan đến kịch bản nguồn nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết nguồn nước của chúng ta có đặc trưng biến đổi theo không gian, thời gian các mùa trong một năm là khác nhau, các vùng khác nhau và phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước ở nước ngoài đến khoảng 60 - 70%.

Chính vì thế trong thời gian vừa qua, trong đó có biến đổi khí hậu, việc điều hòa, phân phối sử dụng các nguồn nước này để tối ưu hóa được nguồn lực là hết sức quan trọng. Do đó, việc dựa vào chiến lược quy hoạch nói chung thì việc có kịch bản về nguồn nước là hết sức quan trọng.

Về vấn đề cấp giấy phép, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đồng thời đề nghị Quốc hội cho phép có những vấn đề có thể đưa vào trong các thông tư, nghị định.

Về dòng chảy tối thiểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đây không phải là quy định mới mà đã có trong Luật từ năm 2012. Quốc hội khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 62 về về quản lý nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các công trình thủy điện cũng đã có quy định về vấn đề này.

Dự thảo Luật lần này tiếp thu theo hướng bám sát được các tình hình thực tiễn, từng vị trí cụ thể, có sự kết hợp của giữa các bộ, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với địa phương để có ứng xử linh hoạt và phù hợp.