Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Tước tình hình đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tổ chức Hội thảo rà soát, đánh giá chính sách pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về vào ngày 11/9 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, ông Paul Priest, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam; bà Lynsey Ibarra, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, và đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành và các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các Sở LĐTBXH, các Chi cục PCTNXH các địa phương. 

 Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, cuối tháng 8/2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người sau 5 năm thực hiện (từ khi Luật phòng, chống mua bán người có hiệu lực đến hết năm 2017). Tại phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội quan tâm rất nhiều đến công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời cũng đề nghị Bộ LĐTBXH nghiên cứu, rà soát những quy định pháp luật có liên quan, đề xuất sửa đổi các chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thi hành chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân quy định tại Luật phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó cần chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay và bước đầu đề xuất nội dung các giải pháp cho các vấn đề này; Tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể để sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân cho phù hợp với tình hình thực tiễn, Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền công dân, quyền con người theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; nghiên cứu, tham khảo những kinh nghiệm hay trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân từ các tổ chức quốc tế. 
 
 
 

Ông Paul Priest, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam

Ông Paul Priest, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã nỗ lực cải thiện cho nạn nhân trở về như tư vấn, hỗ trợ nạn nhân, cho vay vốn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ. Những thành tựu cũng được thể hiện qua hệ thống các văn bản, chính sách hỗ trợ nạn nhân. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện tại vẫn cần chỉnh sửa, để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hiệu quả hơn. IOM cam kết sẽ đồng hành cùng chính phủ Việt Nam, sát cánh cùng địa phương, thực hiện hàng trăm hoạt động phòng chống MBN. 
 
 
Ôg Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội

Tại Hội thảo, ông Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, các quy định chính sách, pháp luật đã xác lập một cơ chế khá toàn diện để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trong đó đã tính đến đặc điểm và những nhu cầu riêng của từng nhóm đối tượng nạn nhân. Mặc dù vậy, xét tổng thể, cơ chế pháp lý hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hiện nay vẫn còn một số bất cập, thể hiện ở những khía cạnh như sau:

- Pháp luật vẫn chưa quy định việc loại trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân bị mua bán nên họ vẫn có thể bị xử phạt hành chính trong một số trường hợp, ví dụ như bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh. Những điều này có thể làm tổn hại đến quá trình hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân, do gây cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị.

- Điều 6 Luật PCMBN quy định nạn nhân có quyền đòi bồi thường thiệt hại (về vật chất, tinh thần), tuy nhiên, trong nhiều trường hợp kẻ phạm tội không có khả năng bồi thường, trong khi pháp luật chưa có quy định về các biện pháp khắc phục (ví dụ như ở một số nước đã thành lập một quỹ hỗ trợ những nạn nhân rơi vào hoàn cảnh này trên cơ sở những tài sản do phạm tội mà có bị tịch thu).

- Mặc dù pháp luật quy định nạn nhân bao gồm cả những người bị mua bán trong nước và nam giới, tuy nhiên, trong thực tế hiện đang thiếu dịch vụ hỗ trợ cho hai dạng đối tượng này, đặc biệt là nam giới. Điều này một phần là do pháp luật vẫn còn thiếu quy định cụ thể về từng loại đối tượng được hỗ trợ, bao gồm những nạn nhân tự trở về, nạn nhân ở địa phương khác, nạn nhân là nam giới, nạn nhân bị mua bán trong nước.., nên chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong việc hỗ trợ cho các đối tượng nạn nhân khác nhau.

- Pháp luật hiện hành mới chỉ quy định nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân, vì vậy, những nạn nhân không vào cư trú tại các cơ sở đã nêu thì không được hỗ trợ về tâm lý và y tế, mặc dù nhiều người trong số họ cũng có nhu cầu được hỗ trợ những dịch vụ này.

- Pháp luật chưa cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được trực tiếp thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Điều này trong thực tế làm hạn chế một nguồn lực có thể huy động để giúp đỡ các nạn nhân. Nguồn lực này không chỉ dưới dạng vật chất, mà cả về nhân lực, kỹ năng quản lý, hỗ trợ về tâm lý, y tế cho nạn nhân mà một số tổ chức và cá nhân nước ngoài rất có kinh nghiệm.

- Theo Điều 39 của Luật Phòng, chống mua bán người quy định trách nhiệm Sở LĐTBXH thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân, tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 23 của Nghị định 09/2013 lại quy định UBND cấp huyện xem xét, quyết định chi trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân.

- Mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân theo quy định hiện hành (Tại Thông tư liên tịch số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/09/213) còn hạn chế. Đặc biệt một số mức chi thấp, không đủ hoặc gây khó khăn cho thực hiện ở cơ sở.

- Một số quy định về thủ tục chi hỗ trợ đã gây khó khăn cho đơn vị cơ sở thực hiện như: việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, chi hỗ trợ y tế đối với nạn nhân bị ốm nặng phải chuyển tuyến cơ sở y tế điều trị, việc quy định nạn nhân phải có xác nhận thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc gia đình chính sách mới được hỗ trợ;…

Trên cơ sở kết quả hội thảo sẽ đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay
 
 
Các đại biểu dự Hội thảo.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến hết năm 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người. 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận, xác minh đều được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; 50% (khoảng trên 3.500 nạn nhân) được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định.
 
 

Vân Nhi/GĐTE