Tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nhiều người dân không đồng tình việc vận động đóng góp xây dựng nông thôn mới khi trẻ sơ sinh vừa chào đời cũng phải đóng tiền.
Trẻ sơ sinh cũng bắt đóng, không đóng là treo nợ
Theo ông LCH (trú tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết việc đóng góp xây dựng nông thôn mới gần như là quy định của thôn và chia theo nhân khẩu chứ không có diện miễn, giảm. Ông H có con bị thiểu năng trí tuệ cũng phải đóng tiền, con út mới bốn tuổi, từ lúc sinh ra đã phải đóng tiền xây dựng nông thôn mới.
Ông H cho biết: Trẻ em sinh ra có giấy khai sinh là đưa vào danh sách thu nộp để xây dựng nông thôn mới. Một công nhân lao động có thu nhập phải nộp 300.000 đồng thì trẻ em mới sinh ra ba ngày cũng phải nộp 300.000 đồng. “Địa phương bắt buộc với phương thức bắt người dân ký vào giấy đóng góp tự nguyện. Riêng bản thân tôi không ký thì bị treo nợ từ năm này qua năm khác. Nhưng nợ này thực sự không phải do tôi đi vay mượn” - ông H bức xúc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc vận động nguồn lực từ nhân dân để xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Thủy được triển khai từ năm 2010. Số tiền vận động đóng góp tùy theo từng thôn và từng năm khác nhau. Về hình thức, các khoản vận động đóng góp từ người dân là tự nguyện. Nhưng thực tế, các khoản đóng góp lại được quy cụ thể thành định mức. Trẻ em, người già, đối tượng bảo trợ xã hội cũng phải đóng góp.
Bà TTM (trú tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy) cho hay bà có cháu nội gần chín tháng tuổi. Cách đây khoảng sáu tháng, khi thôn thực hiện xây dựng đường giao thông, cháu bà cũng nằm trong diện được vận động đóng góp số tiền 50.000 đồng.
Cũng theo bà M, từ năm 2010, không chỉ cháu nội của bà mà rất nhiều cháu nhỏ tại xã Tân Thủy chỉ cần có giấy khai sinh là đều nằm trong diện được vận động đóng tiền xây dựng nông thôn mới.
“Việc làng việc xã, xây dựng cho quê hương, khi được vận động đóng góp thì dân chúng tôi cũng đồng tình thôi. Nhưng cứ đếm theo đầu người, trẻ em vừa chào đời cho đến người già đều phải đóng thì không hợp lý” - bà M nói.
Bí thư tỉnh ủy yêu cầu rà soát ngay
Trước bức xúc của người dân, ông Trần Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy, cho biết địa phương này đã về đích nông thôn mới vào năm 2016 và đang quyết tâm xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao.
Theo ông Lương, trẻ em, người khuyết tật, gia đình chính sách, người có công với cách mạng sẽ không nằm trong diện vận động xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay tại các thôn, việc đóng góp được thống nhất qua các cuộc họp dân, thông qua công tác vận động, do đó có một số việc chưa phù hợp.
“Xã đã tiếp thu những phản ánh của người dân. UBND xã đã tiến hành rà soát, chỉ đạo các thôn trên địa bàn thực hiện việc vận động xây dựng nông thôn mới phải phù hợp và phải được sự đồng tình, nhất trí cao từ người dân, nhất là các trường hợp nằm trong diện miễn, giảm đóng góp” - ông Trần Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy, khẳng định.
Trước việc đếm đầu người đóng tiền nông thôn mới kể cả trẻ sơ sinh, cử tri đã phản ánh lên bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết chủ trương của Nhà nước là không yêu cầu người dân đóng góp những khoản không phù hợp, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới phải dựa trên tinh thần tự nguyện.
“Việc trẻ em mới sinh ra đã phải đóng tiền xây dựng nông thôn mới là hoàn toàn không phù hợp với quy định. Do đó, đề nghị lãnh đạo địa phương và huyện Lệ Thủy xem xét, rà soát ngay” - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch huyện đề nghị các xã chấn chỉnh
Trao đổi với PV, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết phía huyện đã có công văn gửi tất cả các xã đề nghị chấn chỉnh, không để xảy ra sự việc tương tự trong việc huy động kinh phí xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Tình, sau khi có ý kiến phản ánh của người dân và chỉ đạo của bí thư Tỉnh ủy, huyện đã ra công văn chỉ đạo các xã chấn chỉnh trong việc huy động xây dựng nông thôn mới. “Việc huy động không được quá sức dân, phải huy động dân chủ, công khai và đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Riêng UBND xã Tân Thủy phải rà soát và sớm có báo cáo cụ thể gửi về huyện, tránh gây bức xúc trong nhân dân” - ông Tình cho biết.