Khi nào Việt Nam có ngành công nghiệp môi trường?
Mỗi khi người dân sống gần bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) chặn đường, không cho xe rác vào là người dân Thủ đô hiểu rác là thảm họa. Lúc này, những đống rác lan rộng và bốc mùi hôi thối khiến ai đi qua cũng phải bịt mồm, bịt mũi. Nhưng cái hại của việc không quản lý, xử lý tốt chuyện rác không chỉ thế! Rác còn gây ô nhiễm môi trường sống ở thành phố, nông thôn và cả... đại dương.
Tổng lượng chất thải rắn của cả nước gần 16 triệu tấn/năm. Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển với khối lượng khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Việt Nam được xếp vào nước có số lượng rác nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy, hải sản. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở nước ta chiếm khoảng từ 8 đến 12% trong chất thải rắn sinh hoạt.
Nhận thức được rác là vấn đề lớn, vào năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41, trong đó đã nhấn mạnh: “Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp... Hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường”.
16 năm đã trôi qua, Nghị quyết 41 vẫn chỉ nằm trên giấy, rác được chôn lấp chiếm trên 70%, đốt thủ công chiếm 28%. Trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1ha, mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Những bãi chôn rác tại các thành phố luôn trong tình trạng quá tải, thường gây ô nhiễm nước và không khí.
Dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn khiến rác bị ùn ứ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh KT
Tại sao rác không trở thành tài nguyên?
Nhiều nước trên thế giới đã tận dụng hiệu quả rác thải, biến rác thải thành tài nguyên, mang lại giá trị kinh tế lớn. Họ coi rác thải chính là nguồn tài nguyên quý giá, rác chính là cơ hội kinh doanh vừa mang lại lợi nhuận kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Vậy mà ở Việt Nam rác vẫn là thảm họa.
Nhà máy xử lý rác Nam Sơn là một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất ở Việt Nam. Nhưng rác đưa về đây cũng không được tái chế và tái sử dụng, mà chủ yếu chôn lấp. Nguyên nhân chủ yếu là rác không được phân loại nên việc tái chế, tái sử dụng không hiệu quả. Vậy là rác vẫn bị bỏ phí và gây ô nhiễm.
Muốn rác trở thành tài nguyên, cần phải phân loại rác ngay từ các gia đình. Việc này thế giới đã làm được, Việt Nam làm được không? Khó đấy! Người Việt Nam vẫn có thói quen xem rác là thứ bỏ đi, không cần quan tâm phân loại, chỉ cần vứt chúng ra khỏi nhà là được.
Việc đầu tiên để biến rác từ thảm họa thành tài nguyên là phân loại rác từ gia đình.
Đàm Trọng/GĐTE