Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Rác: Văn hóa và nhân cách

Người Nhật, người Singapore đã nêu gương
 
Hai quốc gia ở châu Á, nghĩa là cũng người Á Đông như chúng ta đã nêu gương trong vấn đề giữ cho làng mạc, thành phố và cả đất nước sạch sẽ. Đó là người Nhật và người Singapore. Người Việt Nam đến những đất nước này đều tròn mắt ngạc nhiên vì thấy ở đâu cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Để có được điều này, người Singapore chủ yếu dựa vào pháp luật. Họ ban hành luật rất cụ thể và chặt chẽ, ai vi phạm thì cứ chiểu theo luật mà làm. Người Singapore phạt nặng những người khạc nhổ, vứt mẩu thuốc lá ra đường. Họ vừa làm, vừa giáo dục trong nhiều năm, nên bây giờ đã thành nếp. Hầu như người Singapore không ai có ý nghĩ vứt rác, đổ chất thải ra đường, dù việc làm đấy có thể không ai nhìn thấy.
 
Còn người Nhật, hình như đã đi xa hơn. Họ xem chuyện đối xử với rác có yếu tố văn hóa trong đó. Họ đã khiến cả thế giới khâm phục khi đi xem đội nhà thi đấu bóng đá ở vòng chung kết vô địch thế giới năm 2014. Năm đó, sự kiện này diễn ở đất nước Brazil xa xôi những vẫn có hàng ngàn người Nhật tới cổ vũ. Bất kể đội nhà thắng, hòa hay thua, sau trận đấu, cổ động viên người Nhật đều ở lại dọn sạch rác ở khán đài. Hình ảnh này được giới truyền thông truyền đi khắp thế giới. Người Nhật được ca ngợi, được kính trọng vì những hình ảnh đẹp trên các sân vận động.
 
Người Nhật không chỉ dọn rác ở các trận thi đấu bóng đá, mà hầu như cứ thấy rác ở đâu là họ nhặt. Người Việt Nam chúng ta cũng đã nhiều lần tận mắt nhìn thấy người Nhật dọn rác ở Hồ Gươm. Tại sao người Nhật có thể làm được như vậy? Tại vì người Nhật được giáo dục việc giữ vệ sinh từ rất sớm. Ở trường học của Nhật, không có nhân viên tạp vụ làm vệ sinh, mà học sinh phải quét nhà, cầu thang, lau cửa kính, dọn nhà vệ sinh khoảng 30 phút mỗi ngày.
 
 
 Khán giả đã nán lại nhặt rác ở khán đài sau khi xem bóng đá. Ảnh: KT
 
Việt Nam ta cũng đã có những người làm gương hiệu quả
 
Hiện nay ở Việt Nam, cứ sau một sự kiện tập trung đông người là y như rằng đầy rác, dù đó là ở bãi biển Sầm Sơn, sân vận động Mỹ Đình, hay ở Hồ Gươm. Báo chí nói mãi rồi nhưng điều này vẫn tiếp diễn. Có nhiều người kêu lên một cách bất lực vì không biết làm thế nào để người Việt Nam tuân thủ chuyện kỷ luật vệ sinh. Đấy, chuyện mấy “ông Tây” lội bùn thối nhặt rác, nạo bùn (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhưng chỉ sau một đêm ở nơi đó lại đầy rác!
 
Tuy nhiên, cũngđã xảy ra trường hợp ngoại lệ. Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh ở Hà Nội do thầy Văn Như Cương sáng lập và làm Hiệu trưởng, rồi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (khi trường đã chuyển sang tư thục) đã làm được điều này. Một lần trường quyết định đưa hàng ngàn học sinh lên cắm tại ở một khu rừng thuộc tình Hòa Bình. Trước khi lên địa điểm cắm trại, hàng ngàn học sinh tập kết ở nơi có hàng chục chiếc xe ca chờ sẵn. Trong khi chờ để lên xe, học sinh uống sữa, ăn bim bim nhiều vô kể. Khi tất cả học sinh đã yên vị trên xe, nhìn xuống, chúng thấy thầy giáo già, râu tóc bạc phơ đang nhặt vỏ sữa, vỏ bim bim cho vào túi. Thấy thế, những học trò trót vứt rác linh tinh đã xấu hổ, các thầy cô giáo cũng bứt rứt.
 
Ở chỗ cắm trại (hai ngày một đêm), lượng chất thải do hàng ngàn học sinh tạo ra là rất nhiều. Song, trước đó các thầy, cô giáo đã nhẹ nhàng dặn dò học sinh: “Các em thấy rồi đó! Thầy hiệu trưởng đáng kính của chúng ta đã từng nhặt rác do các em vứt ra trước khi đi. Bây giờ, trước khi về Hà Nội, chúng ta quyết không để mẩu rác nào vương vãi ở nơi chúng ta đã cắm trại!”. Thế là sau khi nhổ trại, lên xe về Hà Nội, cả khu rừng sạch tinh.
 
 
Bãi rác thải ở bờ biển. Ảnh: KT
 
Rác là chuyện lớn, cần giáo dục bằng cách làm gương
 
Thầy Văn Như Cương không phải là người duy nhất chủ trương giáo dục bằng cách làm gương. Đã có rất nhiều thầy giáo là những tấm gương tốt trong học tập, rèn luyện, yêu thương, giúp đỡ con người. Tuy nhiên, rất ít người làm gương trong việc giữ gìn vệ sinh chung, trong việc nhặt rác. Người Việt Nam chúng ta rất thích khẩu hiệu; khẩu hiệu về những điều tốt đẹp giăng mắc khắp mọi nơi, nhưng điều tốt đẹp ở nơi công cộng vẫn hiếm.
 
Hình như nhiều người vẫn nghĩ rằng, mong muốn điều gì, chỉ việc viết lên giấy, lên vải, rồi đem dán lên chỗ đông người là xong. Thực tế đã chỉ ra điều ngược lại; không phải người ta cố tình trêu ngươi, mà người ta làm như thế vì sự tiện lợi, vì người ta nghĩ rằng, kể cả người viết cũng không làm điều họ đã viết. Vì vậy, muốn có sự chuyển biến thật sự, nói và làm phải đi đôi với nhau. Hay nói một cách đơn giản là muốn tuyên truyền, giáo dục hiệu quả, phải làm gương. Những người càng có chức trọng, quyền cao, càng có uy tín làm gương thì càng hiệu quả. Chúng ta bắt đầu từ việc đơn giản là xem chuyện ứng xử với rác có yếu tố văn hóa và nhân cách trong đó.

Đàm Trọng/Tạp chí Gia đình và Trẻ em