Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Rằm tháng Bảy: Nghĩ về lòng “Từ” của nhân gian

Chỉ là một ngày Rằm Tháng Bảy mà bao triết lý nhân sinh cõi người với lòng “Từ” thắp sáng nhân gian, người với người sống để yêu nhau...

 

Thương thay thập loại chúng sinh 
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người 
Hương lửa đã không nơi nương tựa 
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên... (Văn chiêu hồn- Nguyễn Du)

Hình như cứ đến tháng 7 âm lịch, sau những ngày hè chói chang nắng, không khí như dịu dần khi tiết trời ẩm ướt, những cơn mưa lai rai, lê thê, dầm dề liên miên, bầu trời thấp xuống với những đám mây xám nặng, thi thoảng vài cơn gió mang hơi lạnh lướt qua, cảm giác như có một cái gì đó cứa rất nhẹ vào tim, một chút thương cảm, một chút trầm lắng hướng nội nhiều hơn.

 

ram thang bay: nghi ve long Ảnh minh họa.


Nghe vẳng vẳng đâu đó khi gần khi xa tiếng phách buông lơi, tiếng đàn đáy da diết, và giọng ca ngâm của một ca nương như xoáy vào người nghe khúc “Văn chiêu hồn” của đại thi hào Nguyễn Du, mà dân gian hay gọi là “Văn tế thập loại chúng sinh”. Biết rằng ngày lễ “Xá tội vong nhân”, lễ cho những linh hồn được siêu thoát ở thế giới bên kia đang đến..

Đã từng đọc “Liêu trai chí dị”- Bồ Tùng Linh, “Truyền kỳ mạn lục”- Nguyễn Dữ, mơ thực đan xen, có hay không những u hồn vấn vương cõi trần gian vì nhiều nuối tiếc không thành, những mảnh vỡ của thương tổn, những vết sẹo của nỗi đau trong quá khứ và hiện tại .

Từ các anh hùng nhân gian, chiến sĩ trận vong bỏ mình vì nước đến những đứa trẻ lỗi giờ sinh không được hưởng ấm êm vòng tay mẹ cha. Rồi những người muốn dời non lấp bể mộng vương quyền nhưng gặp phải vận cùng thế khuất hay kẻ sang quý một thời mà không còn ai bát nước nén hương nhang khói; Đến những trang hiệp sĩ, khách giang hồ phiêu bạt, đem thân chôn dấp vào nơi nào đó trên con đường thiên lý…

Xuất phát từ tích “Vu Lan bồn” của đạo Phật, với tâm đại bi chiếu cái nhìn thanh tịnh vào nhân gian, thương xót đến tất cả chúng sinh, kể cả những vong nhân vất vưởng chưa hóa sinh, để họ được chút phước làm hành trang đến cảnh giới an vui hơn. Những vong hồn còn lang bạt nơi trần gian chưa về được với cõi âm sẽ được bắc cầu cho siêu độ, về cõi trời để được tái sinh,

Rằm Tháng Bảy chính là dịp như vậy, ngày “Xá tội vong nhân” đã hợp thức hóa một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt với triết lý Đạo Phật về từ bi và tha thứ bao dung.

Cũng không biết tự bao giờ mà người Việt có tục lệ “cúng cô hồn”, ở góc độ nhân văn là đề cao việc làm phúc, từ thiện với chúng sinh. Để có những khoảnh khắc con người lắng lại những xô bồ nhộn nhạo mưu sinh đầy Tham- Sân- Si, nhìn vào nhân gian nhiều số phận khổ đau mà soi chiếu bản thân, cho lòng từ thắp sáng, cũng là  một cách giải thoát ra khỏi cám dỗ phàm trần mà sống thiện lương.

Cảm xúc dâng đầy, khi vào những ngày này, từ các làng quê đến thành thị trong Nam ngoài Bắc, nhìn những mâm cúng lễ “cô hồn” ấm áp tình thương, tình người, chỉ hơi khác nhau chút về vật phẩm cúng lễ, như ngoài Bắc thì nấu cháo múc vào lá đa, người Nam thì bánh trái gạo muối…. Tất cả đều hướng tới những vong hồn vất vưởng với tấm lòng từ đầy thương cảm.

Chợt nghĩ đến những phiên chợ âm- dương ở nhiều làng quê Việt Nam, mà chỉ có ngày Rằm Tháng Bảy, hình như cõi âm cõi dương trộn lẫn vào nhau, người sống gặp được người thân đã thuộc về thế giới khác. Để có thể thực hiện những gì khi ở dương thế chưa làm được, cho họ thanh thản mà siêu thoát không còn tiếc nuối cõi trần.

Chỉ là một ngày Rằm Tháng Bảy, với lễ “Xá tội vong nhân” hay lễ cúng “Cô hồn” mà bao triết lý nhân sinh cõi người với lòng “Từ” thắp sáng nhân gian, người với người sống để yêu nhau.