Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Trong một buổi sinh hoạt Hội phụ nữ phường, chị Nguyễn Thị Kiều Noan (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) được giới thiệu về phòng, chống lao động trẻ em. Sau khi nghe xong, chị Noan rất phân vân, liệu những công việc hàng ngày con mình đang làm có phải là lao động trẻ em. Tuổi thơ của chị cũng đã từng làm rất nhiều công việc để phụ giúp gia đình và đến nay, chị cũng không thể hiểu, đó là lao động trẻ em hay trẻ em làm việc phụ giúp gia đình.Chị Noan bảo, hàng ngày, cậu con trai Nguyễn Minh Tuấn 11 tuổi sau thời gian đi học ở lớp trở về vẫn giúp mẹ nấu cơm, rửa bát, quét nhà, trông em. Có những hôm công việc đột xuất cả bố mẹ cùng về muộn, Tuấn còn tắm cho em và hai anh em cùng học bài. Học trên em 2 lớp, nên ở nhà, Tuấn trở thành gia sư của em trai.
Kết quả điều tra quốc gia năm 2012, Việt Nam có 1,75 triệu lao động trẻ em. Theo Báo cáo tuổi thơ toàn cầu 2019 do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the children) phối hợp với Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 tham gia lao động ở Việt Nam đã đạt được mức giảm ấn tượng 18%, từ 28% vào năm 2000 xuống còn dưới 10%.
Theo quy định của pháp luật, đối với trẻ dưới 13 tuổi không được làm việc quá 4h/ ngày, 20h/ tuần; không làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. "Các công việc con làm không quá nặng nhọc, không bị bố mẹ bắt ép mà con tự nguyện làm giúp bố mẹ. Tuy nhiên, có những công việc con làm vào ban đêm: Dạy em học, có lúc là lau nhà, rửa bát… Vậy trong trường hợp này những công việc con đã làm có phải là lao động trẻ em không?", chị Noan thắc mắc.
Trường hợp con trai chị Noan không phải là hiếm. Rất nhiều phụ huynh cùng chung thắc mắc giống chị Noan. Bởi, ngoài giờ học, vui chơi, các con cùng bố mẹ làm một số việc nhà trong khả năng cho phép. Chị Noan bảo: "Hồi bé, tôi còn làm nhiều công việc nhà hơn các con bây giờ rất nhiều. Hồi đó, cả bố mẹ lẫn tôi đều không có khái niệm thế nào là lao động trẻ em. Chỉ biết, hết giờ lên lớp là cũng bố mẹ làm việc nhà, thậm chí cùng tham gia làm công việc đồng áng vào những ngày mùa".
Rồi chị Noan kể, từ lúc còn bé, chị đã giúp bố mẹ làm việc nhà. Nửa ngày lên lớp, nửa ngày còn lại, chị thường giúp mẹ chăn trâu, cắt cỏ. Sống ở vùng nông thôn, nên việc chăn trâu, cắt cỏ đối với những bé gái như chị là chuyện bình thường. Việc chăn trâu đối với trẻ em nông thôn khá nhàn và vui. "Chỉ việc dắt trâu ra bãi cỏ rồi để chúng ăn tự do. Lúc này, bọn trẻ tụm năm, tụm bảy chơi nhảy dây, chơi chuyền, ô ăn quan… hay ngồi kể chuyện cho nhau nghe. Một số bạn chăm chỉ có thể mang sách đi đọc. Rồi khi mặt trời sắp xuống núi thì dắt bò về nhà và giúp mẹ nấu cơm, rửa bát. Tối đến, chúng tôi mới học bài, làm bài tập", chị Noan nhớ lại.
Có những ngày, chị Noan theo mẹ cắt cỏ, cuốc cỏ, thậm chí là nhổ mạ, thu hoạch lạc, đỗ… Mùa nào việc đó, chị vẫn làm việc cùng gia đình một cách vui vẻ như bao bạn bè cùng trang lứa sống ở vùng nông thôn.
Những công việc hàng ngày con tôi đang làm như: Nấu cơm, rửa bát, quét nhà... liệu có phải là lao động trẻ em"?
Nguyễn Thị Kiều Noan
Anh Phạm Tuấn An (Hà Tĩnh) chia sẻ: "Trẻ em ngày nay làm việc gì cũng lo ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, vui chơi nên kết quả là không biết gì. Có những đứa trẻ ngoài học, chơi điện tử không biết làm một công việc gì. 15 tuổi xe đạp hết hơi cũng không phát hiện ra, không biết bơm xe đạp, những công việc tưởng chừng như quá đơn giản. Thậm chí, nhiều đứa trẻ 17 tuổi mà chưa một lần phải nấu cơm, rửa bát, quét nhà hay giặt quần áo. "Thời chúng tôi, 6 tuổi bắt đầu đi xe đạp là biết bơm xe. Khi 12 tuổi, xe xịt lốp có thể "vật" ra để vá", anh Tuấn An nói.
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh phần vì cưng chiều con, phần thì sợ những việc con làm là "lao động trẻ em" ảnh hưởng đến sức khỏe, hộc tập, nên "làm hộ" con rất nhiều. Có những bạn nhỏ được bố mẹ cho tham gia các khóa học kỹ năng sống nhưng khi ở nhà không động tay làm bất cứ việc gì.
Vì được gia đình quá "bao bọc" và làm thay mọi việc nên trẻ em thành thị rất tự tin nhưng thiếu tính tự lập. Trước đám đông, các em có thể thuyết trình, hùng biện rất rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục người nghe nhưng lại thiếu tự lập, thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản. Hàng ngày bố phải đưa các em đi học, mẹ nấu cơm cho ăn. Thậm chí, học sinh cấp trung học phổ thông không biết rửa bát, nấu cơm, gấp quần áo,… không phải là hiếm. Khi dẫn học sinh đi dã ngoại, nhiều em không phân biệt được đâu là con trâu, đâu là con bò, hay khi ra chợ con vịt với con ngan các em không biết phân biệt.
Trẻ em tham gia làm việc nhà đúng độ tuổi giúp trẻ phát triển kỹ năng sống...
TS Bùi Tiến Đạt (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tại Việt Nam, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và Giảm thiểu Lao động trẻ em tại Việt Nam nêu khái niệm lao động trẻ em là việc trẻ em và người chưa thành niên làm các công việc trái quy định pháp luật về lao động, cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, nhân cách của trẻ em.
Tại Điều 26 Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Tại Khoản 1 Điều 163, Bộ luật Lao động 2012 quy định: Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.
ÔNG ĐẶNG HOA NAM-CỤC TRƯỞNG CỤC TRẺ EM
Hiện nay, ranh giới xác định lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động rất khó nhưng cần quy định rõ trong quy phạm pháp luật, cần có những tiêu chí rõ ràng thế nào là lao động trẻ em.
Đối với trường hợp con trai chị Noan được nêu ở trên, nếu xét theo tiêu chí nhận diện lao động trẻ em thì những công việc hàng ngày con làm không phải là lao động trẻ em. Bởi những việc làm của trẻ hoàn toàn tự nguyện và những hoạt động này không cản trở hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Thời gian làm việc cũng không liên tục, không kéo dài và các công việc nội trợ ở nhà, việc vặt thì không được gọi là tham gia hoạt động kinh tế nên không phải là lao động trẻ em.
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho rằng, hiện nay, ranh giới xác định lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động rất khó nhưng cần quy định rõ trong quy phạm pháp luật, cần có những tiêu chí rõ ràng để xác định rõ thế nào là lao động trẻ em. Theo ông Nam, trẻ em được tham gia một số nghề phù hợp.
Ngay lời dạy của Bác Hồ dạy thiếu nhi Việt Nam: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Việc trẻ em tham gia làm việc nhà phù hợp với độ tuổi là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em.
Phòng ngừa lao động lao động trẻ em là vấn đề "nổi cộm" khi gia nhập các công ước quốc tế
Tuy nhiên, theo ông Nam, ở một số trường hợp, trẻ em tham gia làm việc nhà trong thời gian dài, thậm chí có cả công việc nguy hiểm, độc hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến thời gian học tập, vui chơi của các em.
Đa dạng các hình thức truyền thông phòng, ngừa lao động trẻ em.
Lao động trẻ em là vấn đề cần đặc biệt được quan tâm trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tất cả các hiệp định quốc tế đều có tiêu chuẩn quy định tiêu chuẩn về lao động trẻ em. Khi Việt Nam phê chuẩn hiệp định TPP, một số mặt hàng không thể xuất khẩu đến những nước có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ... nếu trong sản phẩm có hàm lượng lao động trẻ em.
Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH quy định về danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc như: Diễn viên: múa; hát; xiếc; điện ảnh; sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước); vận động viên năng khiếu: thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh (trừ tạ xích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi-a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền; các nghề truyền thống: chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, làm bún gạo, làm giá đỗ, làm bánh đa (miến), làm bánh đa Kế; các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he; đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên; nuôi tằm; gói kẹo dừa.
Có thế lấy ví dụ điển hình từ một số công ty sản xuất sôcôla nổi tiếng của Thụy Sỹ bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em. Thực tế, các công ty sản xuất sôcôla này không sử dụng lao đông trẻ em nhưng truy đến tận các đồn điền trồng cây ca cao làm nguyên liệu sản xuất ra sôcôla lại có trẻ em làm việc. Hay hiện nay một số công ty mỹ phẩm nổi tiếng châu Âu đang bị cáo buộc sử dụng lao đông trẻ em. Theo cáo buộc này, lớp nhũ sơn móng tay được làm từ các vỏ sò, vỏ ốc do những trẻ em Ấn Độ nhặt nên sản phẩm bị kết luận có sử dụng lao động trẻ em.
Lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu và theo ước tính của ILO, có khoảng 152 triệu lao động trẻ em. Lao động trẻ em tồn tại ở mọi lĩnh vực ngành nghề. Việc trẻ em phải lao động sớm đã, đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất, tâm lý, cản trở việc tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống pháp luật, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Để nỗ lực giải quyết vấn đề lao động trẻ em trên toàn cầu, Liên minh 8.7 đã được hình thành là đối tác toàn cầu nhằm cam kết thức đẩy hành động, hành động dựa trên sáng kiến, tạo kiến thức và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tập hợp đối tác ở tất cả các cấp nhằm đạt được mục tiêu 8.7. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á tiên phong hình thành liên minh 8.7 để xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu 8.7. trong đó tập trung giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục đối với lao động trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đang triển khai dự án hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Chương trình nhằm triển khai các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn và thực hiện các mục tiêu trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
Chương trình đã được triển khai tại ba địa phương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang từ năm 2015, dự án tập trung vào giảm thiểu lao động trẻ em trong một số ngành, nghề trọng điểm như may mặc, nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ….
Bên cạnh đó, chương trình quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 đã nhắc đến trách nhiệm các bên liên quan, hướng đến nhận thức, năng lực, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan đến người sử dụng lao động, cộng đồng và trẻ em.
Luật Trẻ em 2016 quy định, Trung ương Đoàn là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát thực hiện ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Chủ tịch Hội đồng đội trung ương Nguyễn Ngọc Lương cho biết, để thực hiện tốt vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát thực hiện ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, Trung ương Đoàn sẽ tập hợp các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em liên quan đến vấn đề phòng, chống lao động trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống lao động trẻ em, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động trẻ em trong cộng đồng, gia đình và người sử dụng lao động. Phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn nghề nghiệp để tạo việc làm, nâng cao thu nhập đời sống gia đình để các em có thời gian học tập, rèn luyện, không để trẻ em phải lao động kiếm sống. Phát huy vai trò của các tổ chức, cộng đồng và xã hội về việc phòng ngừa tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Bên cạnh đó, tăng cường sự giám sát của các đơn vị trực thuộc nhằm ngăn ngừa và giải quyết kịp thời tình trạng trẻ em phải lao động sớm, phải làm việc nặng nhọc.
Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, cần có sự chung tay tham gia tích cực của tất cả xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức, đến các gia đình, cộng đồng.