Phân biệt đối xử là nguyên nhân chính
Hiện nay, tỉ lệ nữ giới trong ngành các ngành Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM) vẫn còn hạn chế. Một nghiên cứu của UNESCO năm 2018 cho thấy, phụ nữ chỉ chiếm gần 29% tổng nhân lực nghiên cứu toàn cầu. Tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Microsoft, Google, Apple, Facebook,… chỉ khoảng 20% các vị trí việc làm hiện có là do nữ giới đảm nhiệm.
Trong giáo dục đại học, chỉ một phần nhỏ học sinh, sinh viên nữ lựa chọn các lĩnh vực liên quan đến STEM. Chỉ 3% nữ sinh viên trên toàn cầu tham gia các khóa học về công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT); 5% sinh viên nữ học về toán và thống kê, và 8% đối với khóa học kỹ thuật, sản xuất và xây dựng.
Định kiến về giới đang khiến phụ nữ và trẻ em gái tránh xa các công việc trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học. Chính những định kiến cho rằng "phụ nữ thường không giỏi toán và khoa học tự nhiên", hay "phụ nữ thường gặp trở ngại trong tư duy cấu trúc" đã gây ra không ít những rào cản và sự mất cân bằng giới trong ngành này, mặc dù trên thực tế chúng ta đều biết rằng khả năng tư duy của nam và nữ là đồng đều. Định kiến này không chỉ khiến nhiều phụ nữ đắn đo khi quyết định có theo đuổi STEM hay không mà còn khiến họ tự giới hạn khả năng của mình theo các mặc định của xã hội.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ, khoảng một nửa phụ nữ trong lĩnh vực STEM coi phân biệt đối xử là yếu tố khiến giới nữ hạn chế tham gia lĩnh vực này. Các hình thức phân biệt đối xử phổ biến với phụ nữ trong STEM là thu nhập thấp hơn nam giới làm cùng công việc (29%), bị đối xử như thể họ không đủ năng lực vì giới tính của họ (29%), ít nhận được sự hỗ trợ từ lãnh đạo cấp cao hơn so với đồng nghiệp nam cùng vị trí (18%)… Thiếu vắng những người dẫn dắt là nữ giới cũng là một rào cản khi phụ nữ muốn tham gia STEM.
Bà Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, chia sẻ: "Tỷ lệ nữ giới tham gia ngành STEM trong nhà nước vẫn còn rất thấp, đặc biệt tại các vị trí lãnh đạo cấp cao và sứ mệnh làm mẹ làm vợ là một trong những rào cản/thách thức khiến nữ giới khó phát triển trong ngành này."
Nỗ lực khuyến khích phụ nữ theo đuổi STEM
Theo bà Phùng Thanh Xuân - Nhà sáng lập, CEO, Công ty CP Lotus Quality Assurance, khả năng làm việc và tư duy của nữ giới và nam giới là ngang bằng, và đôi khi có rất nhiều điểm sáng khi nữ giới tham gia ngành STEM: họ chi tiết, trau chuốt hơn và kiểm soát kế hoạch triển khai hiệu quả hơn. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc phụ nữ làm lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ giúp doanh nghiệp đạt doanh thu cao hơn 12% so với lãnh đạo là nam giới, hay xu hướng sử dụng "mixed - gender" team (đội ngũ có cả nam và nữ) sẽ giúp tăng tỷ lệ tạo ra các sáng chế công nghệ từ 26% đến 42%. "Đã đến lúc chúng ta cùng nhau phá bỏ những rào cản để truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ hơn nữa tham gia vào hành trình cống hiến và thay đổi thế giới qua những đóng góp trong lĩnh vực STEM - nhóm ngành kiến tạo tương lai", bà Xuân nêu quan điểm.
Dự báo đến năm 2027, việc làm trong lĩnh vực STEM sẽ tăng lên 13%. Thu nhập từ ngành này cũng rất hứa hẹn khi 93% ngành nghề STEM có mức thu nhập trên mức trung bình. Do đó, các trường học, trường đại học và các tổ chức đang nỗ lực để khuyến khích phụ nữ theo đuổi chuyên ngành và nghề nghiệp STEM. Nhiều trường học đã xây dựng các chương trình trải nghiệm thực tế liên quan đến các lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học giúp tất cả nam sinh và nữ sinh thấy được sự thú vị trong ngành STEM, hướng đến tạo dựng những định hướng sự nghiệp nhất định trong tương lai; cấp học bổng cho phụ nữ, đồng thời cho họ cơ hội theo đuổi sự nghiệp mà không phải chịu gánh nặng tài chính nào.
Để biến thành hành động cụ thể và tiến bộ quốc gia, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã phát triển mô hình thu hẹp khoảng cách giới tính (Closing the Gender Gap Accelerators) thông qua hợp tác công tư. Mô hình này đã được thực hiện tại Argentina, Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominican, Panama và Peru với sự hợp tác của Ngân hàng Phát triển liên châu Phi (InterAmerican).
Tại các quốc gia G20, các CEO và các bộ trưởng đang cùng nhau làm việc để đưa ra các chính sách nhằm giúp thu hẹp hơn nữa khoảng cách giới tính ở nước họ, bao gồm: kéo dài nghỉ phép cho cha mẹ, trợ cấp chăm sóc trẻ em và loại bỏ các thiên vị vô lý trong tuyển dụng và thăng tiến sự nghiệp.
Tại Việt Nam, theo báo cáo tóm tắt của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), từ năm 2005 đến 2016, tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học các ngành STEM tăng gần gấp đôi, từ 20% lên 37%.