Đó là những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Phụ nữ khuyết tật với cơ hội việc làm” do Ban Hành động vì Sự phát triển Hòa nhập (IDEA) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức vào ngày 30/10/2015.
Toàn cảnh Hội thảo
Chưa đến 1/3 phụ nữ khuyết tật có việc làm
Chia sẻ kết quả “Dự án điều tra cơ bản về thực trạng và phương hướng hỗ trợ phụ nữ khuyết tật trong đào tạo nghề, việc làm và chăm sóc sức khỏe” T.S Nguyễn Thị Thu Hoài – Học viện Phụ nữ cho biết, kết quả điều tra khảo sát tại 3 tỉnh: Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế và Tây Ninh với 463 phụ nữ khuyết tật cho thấy có chưa tới 1/3 số phụ nữ khuyết tật có việc làm. Trong số những phụ nữ khuyết tật đang không có việc làm, có những người đã từng đi làm nhưng bỏ việc vì rất nhiều lý do. Tuy nhiên cũng có những người chưa từng đi làm.
Lý do khiến phụ nữ khuyết tật không đi làm có nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là những nguyên nhân không tìm được việc làm phù hợp với sức khỏe. Khó khăn trong việc đi lại vì các công trình công cộng gây khó khăn cho người khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật bị kỳ thị từ khi tuyển dụng cho đến khi được tuyển dụng. Nhiều khi nhà tuyển dụng mang lại cho họ tâm lý khả năng sức khỏe của họ không đảm bảo công việc. Gia đình không đồng ý cho phụ nữ khuyết tật đi làm bởi lý do cho các chị ăn, ngủ là tốt lắm rồi, thời gian đưa các chị đi làm và đưa về thì thà để các chị ở nhà còn hơn.
Bà Nguyễn Hồng Oanh – Giám đốc IDEA phát biểu tại hội thảo
Những công việc phụ nữ khuyết tật đang làm thường là những công việc mang tính tự phát do không có nhiều lựa chọn. Chủ yếu là các lao động giản đơn, tỷ lệ được đào tạo nghề không cao và đào tạo rồi cũng không phải ai cũng làm được và có thu nhập. Những nơi làm việc của phụ nữ khuyết tật: 64,1% làm việc nhà; 13,2% làm việc tại Hội Người khuyết tật; 5,9% tại các cơ sở sản xuất tư nhân; 1,2% tại cơ sở nhà nước. Hơn 37% phụ nữ khuyết tật thực sự hài lòng với công việc của mình; gần 40% hài lòng một phần; 22% phụ nữ khuyết tật không hài lòng với công việc đang làm. Cứ 4 người phụ nữ khuyết tật đang làm việc thì có một người phải làm việc trong điều kiện không tốt.
Theo T.S Thu Hoài, mặc dù việc tiếp cận với việc làm rất khó khăn với phụ nữ khuyết tật nhưng nếu được đi làm họ sẽ có những đóng góp đáng kể cho gia đình và xã hội. Gần 40% phụ nữ khuyết tật đi làm có đóng góp từ 11-30% cho gia đình; 22% đóng góp từ 31-50% thu nhập, 5,9% phụ nữ khuyết tật đóng góp trên 50% thu nhập cho gia đình.
Tỷ lệ người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm thấp
Đánh giá về công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam (giai đoạn 2012 -2015), ông Đào Trọng Độ - Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên – Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong 5 năm 2010 – 2010 có khoảng 120.000 khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm và giới thiệu việc làm. Trong đó, có gần 100.000 người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề, trên 2.500 người được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm và gần 19. 300 người được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 20.000 người khuyết tật.
Theo ông Độ, mặc dù đạt được những kết quả nêu trên nhưng số lượng người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra tại QĐ 1019/QĐ-TTg. Công tác tuyên truyền về các chính sách dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật còn hạn chế dẫn đến người khuyết tật chưa có nhiều thông tin về đào tạo nghề, cơ sở đào tạo và việc làm phù hợp, chưa có cơ hội tiếp cận chính sách. Người khuyết tật tiếp cận vay vốn ưu đãi còn hạn chế, một phần là do người khuyết tật không thuộc hộ nghèo, cận nghèo thì không được vay vốn của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Đồng thời nguồn vốn còn hạn chế, nên số lượng người khuyết tật được vay vốn đạt rất thấp.
Đại diện phụ nữ khuyết tật chia sẻ những khó khăn.
T.S Thu Hoài cũng cho rằng, trong Bộ luật Lao động đã dành 1 mục với 3 điều về vấn đề lao động là người khuyết tật; Luật Người khuyết tật cũng đã qui định rõ vai trò của Nhà nước trong việc tạo việc làm cho người khuyết tật. Ngoài ra còn có các Đề án hố trợ phụ nữ họ nghề, tạo việc làm trong đó có ưu tiên phụ nữ khuyết tật. Tuy nhiên việc thực thi chính sách còn nhiều bất cập hạn chế. Về vốn vay: Phụ nữ khuyết tật do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, còn nguồn vốn vay là do Ngân hàng chính sách quản lý. Do vậy muốn vay vốn phụ nữ khuyết tật phải thực hiện qui trình thủ tục khá rườn rà trong khi số tiền vay được lại không nhiều. Mặc dù nhà nước đã có qui định về việc nhận người khuyết tật vào làm việc nhưng không có qui định riêng cho phụ nữ khuyết tật. Cũng có chính sách ưu đãi doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật nhưng chưa đủ hấp dẫn vì vậy nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền đóng góp trách nhiệm xã hội thay vì tuyển dụng lao động là người khuyết tật.
T.S Thu đề nghị, để tăng cơ hội việc làm đối với phụ nữ khuyết tật cần quan tâm đến vấn đề giáo dục, nâng cao học vấn và đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật, đặc biệt là với nhóm phụ nữ khuyết tật trẻ tuổi. Cung cấp thông tin, tư vấn và giới thiệu việc làm cho phụ nữ khuyết tật. Hỗ trợ vốn, phương tiện đi lại, có phương hướng thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong vấn đề tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật. Tích cực truyền thông, giảm kỳ thị đối với người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng.
Bà Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc IDEA khẳng định: “Người khuyết tật là một lực lượng lao động không nhỏ trong xã hội và họ đòi hỏi phải được bảo vệ bằng luật pháp để đảm bảo quyền bình đẳng tham gia vào các hoạt động của xã hội, trong đó có quyền bình đẳng về việc làm bền vững. Có được việc làm bền vững là điều mong mỏi của những người khuyết tật, đặc biệt là của phụ nữ khuyết tật. Đây là những khát vọng, quyền lợi, tiếng nói và sự thừa nhận để cộng đồng xã hội có sự công bằng và bình đẳng như nhau, đó chính là sự thúc đẩy hành động nhằm “Hiện thực hóa quyền của người khuyết tật”, trong đó có quyền được có việc làm bền vững, để góp phần phát triển kinh tế đất nước".