Xưa, đất liền thổ phân cách bởi những cây cõi, thường là duối và ô rô. Nhưng rồi con cái trong mỗi nhà đến tuổi làm nhà, dựng vợ, gả chồng, được ra ở riêng, nên phải cắt đất, chia theo phần. Hoặc gia cảnh có việc mà phải cắt đất, bán cho người khác, thành thử đất phải chia. Xa xưa, thời các cụ mới trồng cây cõi, sau này chả thấy ai trồng nữa. Thường thì, đo đạc xong đóng cọc mốc dựng hàng rào, chứ ít nhà có điều kiện xây ngay tường bao. Thế nên những hàng rào ấy theo nắng mưa, năm tháng gắn bó với điền sản của mỗi gia đình. Cũng có khi bờ rào chỉ đơn giản để chắn gà qué bới vườn rau mà thôi. Những tưởng rằng bó tay tre dựng lên, lấn dây chắn hay đan nóng mốt thưa, bị nắng mưa xô lệch, mục nát chẳng có gì để nói, nhưng không, hàng rào, bờ giậu đã để nhớ cho chủ nhân đến tận khi bạc tóc, cho dù là nó chỉ còn trong kí ức.
Nắng phủ xuống làng vàng tươi. Những con đường lát gạch nghiêng mòn vẹt trong nắng, cỏ hai bên đường tốt um sau trận mưa vài đêm trước. Những bức tường tróc lở hai bên ngõ, gạch mọt lõm. Lại nữa, những cây duối cõi xanh om, cao đến 2, 3 mét, thân xù xì đứng trơ trơ. Người ta đã cắt tỉa cành tướp, chỉ để lá tầng trên, nó như điều còn lại của quá vãng xa xôi đã được giữ lại. Ngõ làng mà như con đường trở về thủa nào xa lắc.
Giữa đất vườn xanh lá, tầng thấp, tầng cao, có ngôi nhà nhỏ, ngói móc nâu thậm, nhà 3 gian, hai chái, có sân lát gạch lục, góc sân là cây trứng gà cổ thụ, lá rụng từ bao giờ chưa quét. Vài ngọn cỏ lưa thưa ăn lấn vào mép sân, là vì nhà không xây tường hoa mà dựng lên hàng rào tre ngay cửa giữa trông ra.
Nhớ lắm hàng rào tre chẻ đôi, chẻ tư, đóng chặt xuống đất vườn bắt chéo, nắng mưa đã ngả màu, cái cao cái thấp, đã xô lệch, chưa kể đám tay tre buộc thêm. Mẹ trồng vào hai đầu rào ấy hai dây mướp. Hết giao mùa là mướp đã leo kín rào, hoa nở vàng tươi, ong bướm rập rờn. Cho đến khi mưa rào đều thì mướp đã xanh om, đốt nào cũng thấy quả. Cây trứng gà tỏa bóng mát nửa sân, nên nhà chẳng làm giàn mướp nữa, mẹ còn bảo, hàng rào ra tiền chứ chẳng chơi. Vì có lứa mướp sai, mẹ đi bán chợ phiên cũng được đồng ra, đồng vào. Giãi nắng mưa, hàng rào tre chẳng còn như ban đầu, khuyết đâu, mẹ đóng cái gậy, cái cọc khác vào chỗ ấy. Nhưng chẳng bận gì, dây mướp chẳng chê rào xấu, tay vẫn cuốn chặt, cho quả sai các đốt.
Cuối vườn là đất ruộng, chân đất thổ cư cao hơn đất ruộng, nên bố mẹ cũng chẳng lo xây tường bao mà chặt tre dựng hàng rào từ ngày tậu đất về đây làm nhà. Tre dễ sống, đôi khúc thân ấy mọc lên cây, chẳng trồng mà những dây leo cũng tìm đến. Những duối leo, thân nâu, nhựa dính hay cây hoa vàng, bìm bìm hoa tím, mần tới, mảnh cộng, hoặc họ dương xỉ tranh nhau bám lấy những chiếc cọc, tạo thành một bờ giậu bền vững. Đến lạ là tre ở bờ giậu này không cao mà chỉ lất phất cùng đám dây leo, đôi cái măng nhỏ như ngón tay mọc lên, vài ba cái lá tre nhọn lẫn cùng đám lá dây leo. Lẫn cả cây ổi cỏ trong đó, chị em cứ ngóng quả mãi, cho đến khi chị đi lấy chồng, em lớn khôn mới phải hiểu rằng, cây ổi cỏ này không ra quả.
Nhớ những trưa nắng, bố ngủ, chị em rủ nhau ra rặng tìm quả xâu vòng chín đỏ, lấy kim chỉ xâu quả to, quả nhỏ hình tim đỏ chót ấy thành cái vòng đeo tay. Vòng đeo vào tay rồi lại ao ước, quả đừng héo, mãi màu đỏ đẹp thế này. Nhưng rồi, quả vẫn héo để buồn thiu, tiếc nuối cho đến tận khi bạc tóc về chiếc vòng kì diệu.
Có cây cam cút nơi góc vườn, cây lá thơm như lá chanh, lá bưởi, gai trong ngách lá sắc nhọn phải biết. Thế nhưng, trẻ con có cách của trẻ. Cắt cành ấy, tỉa bớt lá, nhặt hoa trên giậu, nhặt hoa cuối vườn, cắm vào cái gai nhọn. Từ ké hoa hồng, đến ké hoa vàng, từ bìm bìm tím cho đến hoa dại không tên đậu hết trên cành cam cút. Đứa nọ hồ hởi đọ cành đọ hoa với đứa kia. Niềm vui con trẻ xưa chỉ đơn giản là thế, mà nhớ lắm.
Chưa kể, góc giậu còn có cây nhãn cao vọt lên. Cũng là do ăn nhãn xong, đổ hạt ra đấy, gặp đất, hạt nảy mầm mà lên. Cây góp cho giậu một cột mốc thân gỗ chứ cây chưa bao giờ đậu quả. Mẹ bảo cứ để đấy, cây không hoa mà xanh lá cũng là có lộc lá quanh năm. Có lẽ vì thế mà cây đứng đó bao năm, cho cả khóm tầm gửi ngụ nhờ cũng xanh tốt quanh năm.
Hàng xóm, nhiều nhà có điều kiện thường xây tường bao quanh vườn, cắm thủy tinh bên trên. Đến dây mướp leo lên cũng khó, đôi chiếc lá rách vì thủy tinh sắc nhọn. Chẳng như đám dây leo tự lấn chặt vào nhau, những rào tre mục, tre mới cũng đều hiền khô, cho mướp, cho đậu ra hoa và kết quả, quả ăn không hết, mẹ cắt đem đi chợ phiên, vì biết rằng còn nhiều người ngóng mua.
Trong xóm có người làm ăn tấn tới, họ dỡ nhà cũ, xây nhà mới trên thửa đất ấy, nhưng làm nhà theo hướng khác. Họ tận dụng dui mè rào chắn nuôi gà, cạnh bức tường nhà cũ tróc lở không đập đi nốt. Chưa kịp trồng cây gì thì đám dây leo cũng mọc lấn tới, hoa vàng đã nở. Vài cây mào gà mọc tự bao giờ cũng đã nở hoa, đám cỏ xước cũng đã cao đến gối. Gà bới, gà rúc, gà túc túc gọi con chả mấy đã ầm ĩ một góc nhà xưa. Đám ngói móc cũ dỡ xuống vẫn xếp đống phơi trong nắng mưa, sớm mai đám gà trống mò lên đấy đứng gáy sáng ra oai. Góc này sao mà giống ngày xưa thế? Nếu không nhìn vào cái nhà gác lại ngỡ như xóm cũ, làng xưa.
Những hàng rào cao thấp, nghiêng thẳng trong nắng, cái nhọn hoắt, cái lại bằng đầu, cái chắc chắn, cái lại đã mục xiên xẹo, khi mướp leo, khi hoa bám, có khi lại dây bìm bìm hoa tím lấn lướt xanh om, hoặc một loài cây dại gì đó bám chặt, như thể chủ nhân bận hay đi vắng đã lâu nên hàng rào mới thế. Đúng thật, làng đã có nhiều ngôi nhà vắng chủ, buồn tênh, đến cái hàng rào, bờ giậu cũng buồn, nhớ đôi bàn tay vắt ngọn, để cây leo đúng rào.
Đoạn ô rô ôm lấy tường hậu nhà ai xanh om. Ai phơi lên đó một cái áo dầy còn ướt nước. Tôi nghĩ, chắc bậc cao niên nào thôi, chứ người làng giờ chẳng còn phơi quần áo bằng sào nữa chứ đừng nói phơi trên rặng rào.
Làng đã khác xưa, mà làng cũng vẫn như xưa, trở về và tìm thấy cả bước chân mình lấm đất, kiễng cao, hái hoa trên hàng rào nhiều tay tre mới héo...
Nguyễn Minh Hoa/GĐTE