Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Rau tập tàng

 
Nói mớ rau tập tàng không phải là bó, như là bó rau muống, rau cải mà là nắm, mớ những rau trộn lại mà thành, phần đa là những cây mọc dại. Người đi kiếm phải biết cách, không chỉ tìm hái mà phải chọn lượng từng loại cho hài hòa, mới mong có mớ rau ngon. Tầng cao có dây mùng tơi, chả biết gốc từ đâu mà ngọn lan rộng, cho dăm lá non, cho vài ngọn nhánh. Dưới chân lại có ngay mảng rau sam, chưa lên hoa vàng, thân mập, tím thẫm, nhìn đã thấy rôn rốt chua, hái vài nhánh non nhất là đủ. Lan man nhìn theo ngọn mùng tơi trên rặng lại thấy rau mảnh cộng, lá xanh non, chẳng cần với cũng được chét tay. Vài bước tiếp ra cuối vườn lại thấy đám dền trứng chưa lên nụ lên hoa, mà nhiều đến mức không kén thì hái riêng rau này cũng đủ bữa canh nấu. Chưa mỏi chân mà đã được lưng rổ rau vài loại. Phải người dễ tính có khi đã thấy đủ, nhưng người khó tính thì vẫn muốn tìm thêm vài loại rau nữa. Hình như đón Hạ sang, cây rau đay thân đỏ, lá xanh cũng đã xanh om. Những lá thon dài, răng cưa lộ rõ bám vào thân cành. Nhánh nào cũng đã thành ngọn, cắt thì bó thành bó được ngay, nhưng người đi hái rau tập tàng chỉ chọn búp, hái đủ ăn, không lo nhặt lại, nên cây chẳng biến chuyển gì, ngọn lá vẫn mơn mởn. Thế mà người đi kiếm rau đã để mắt đi tìm loại rau khác. Một cây đay mọc ở góc bờ ao, phục vụ được cả dăm người đi kiếm rau tập tàng, ai cũng chỉ hái búp nên cây to, khum tròn, ngọn tua tủa như sẵn sàng chờ tay người hái. Giống đay này thật lạ, hạt cây vương lại đây, chẳng ai tưới tắm bao giờ, đất bờ ao cằn cỗi, dưới gốc cổ thụ lẫn cỏ, thế mà cũng trụ được bấy lâu nay. Nhiều quả già rụng xuống, theo gió khiến vài cây bờ bên kia cũng đã mọc, nhưng lối ấy không ai vào,  thành thử cây già, thay lá, vươn cao mà không đắt khách hái như cây mé bên này. Vườn này có đay, vườn nhà kia lại có tầm bóp chỗ chầu tát nước lên chân ruộng phần trăm. Đám tầm bóp mùa này cũng đúng dịp đến độ, chưa ra quả, hoa trắng mới chỉ li ti. Người kiếm rau không cắt ngang cây mà cũng chỉ hái búp. Ngọn non sần sật trên tay, cứ ngọn nào mập, nhánh non mới hái. Tầm bóp cho vị ngọt mà lại nghé đắng. Thứ rau nấu ngon mà xào tỏi cũng ngon, khi cho vào nồi canh tập tàng giữa dăm bẩy vị kia mà không hề bị mất hương vị của mình là vị đắng rất đặc trưng. Thường là các rau ấy, nhưng có khi gặp cây rau ngót, ngọn mã đề non, hay vài cái lá lốt người ta cũng nhặt, cũng chẳng sao.
 
 
Xưa, đồng đất còn sẵn con cua, con cá. Người đi kiếm rau, cũng là người đã kiếm được mớ cua ruộng, cua hang.
 
Chân còn lấm mà cua đã được khỏa sạch nơi mương nước chảy, về đến nhà chỉ việc rửa lại, xé và giã. Cua lọc xong, rau tập tàng kia cũng rửa sạch. Gạch cua đóng chắc từng mảng, mắm muối nêm vừa, rau ấy thả vào, sôi bồng là bắc xuống. Canh múc ra mâm, chỉ thấy ngon ngọt, thơm thảo. Có vị đay, mùng tơi như thường mà lại rôn rốt chua của rau sam, nghé đắng của tầm bóp. Cua đá nhìn bé nhưng chắc, nhiều thịt, gạch cua ăn không sẽ ngấy, múc bát gạch trong bát phải thêm rau thì mới thấy ngon hết vị, ngon đến mức nghĩ ăn đôi bát canh có khi cũng xong bữa. Nhưng nói thế thôi, cơm thổi xuê, cà muối xổi, đĩa cá dầu kho tương khô cong thế kia thì dễ gì bỏ cơm trắng được. Sau bát canh mát ruột, thì có ngay bát cơm tép kho tương. Con tép chắc, thơm bùi cõng hết ngay bát cơm nóng. Bát thứ hai là chan canh cua. Nước canh sánh có lẽ bởi mùng tơi, rau đay, không hẳn vàng vì có lẽ mấy nhánh sam cho chuyển màu hồng nhạt. Canh chan vào cơm, nước xâm xấp, rau cũng vào bát cùng. Gắp rau ăn trước, thơm mà thanh chua, bùi, đắng ngọt, chứ không phải đắng ngắt. Ngon quá!
 
 
Gắp miếng cà vào bát, bảo không vội mà vẫn nhanh tay, ngon thật. Thứ canh tập tàng này ngon không rau nào sánh nổi. Chẳng thế mà người quê thường chọn canh rau tập tàng mùa này và cả mùa Hạ sau đó. Cho dù rau tập tàng khi Hạ sang sẽ thiếu vị đắng của tầm bóp, rau dền cơm cũng cứng hơn, có hoa non. Nhưng không sao, người ta vẫn nấu bát canh thanh mát, ngọt thơm này.
 
Giờ đây, đất ruộng đất bãi không sẵn các loại rau góp thành mớ tập tàng như xưa. Người quê cũng tiện xe, thường ngày vẫn về tỉnh bán hàng, nên rau tập tàng được kiếm cả bao đem về thành phố cùng những rau củ khác. Xảo rau tập tàng được bốc trong túi nilong bán theo mức tiền người mua muốn. Những tôm cua xay lọc đều được lựa chọn với mớ tập tàng này.
 
Nếu canh khác, cả nhà chỉ cần một bát, thì canh tập tàng, người nấu phải nấu gấp rưỡi, gấp đôi. Vẫn các món xào, món mặn đủ, nhưng cà muối thì ai cũng phải nhắc. Và bữa cơm vui hơn trong câu chuyện về mớ rau tập tàng này, về những ngày xưa và đồng đất quê nhà.
 
Rau tập tàng, cái tên giờ cũng khiến nhiều người nhíu mày hỏi lại“là rau gì’’? Một cái tên rau nấu canh, gắn với những chiều mưa, nắng đi kiếm tìm thấy mặt trời đỏ phía xa, đã từng ước mơ, đã từng xao xuyến, khi mắt vẫn kiếm tìm và tay vẫn hái những búp rau non. Thế nên, giờ đây vẫn nhớ và kể về nó tha thiết lắm!
 
 

 

Nguyễn Minh Hoa/GĐTE