Sau những ngày Tết, rau củ và đồ tươi sống là những mặt hàng được những bà nội trợ tìm mua nhiều nhất. Chị Oanh (Chùa Láng, Hà Nội) cho biết, nhu cầu rau xanh và hải sản của gia đình chị sau những ngày Tết tăng mạnh. "Một nồi lẩu với rau và hải sản là thứ mọi người trong gia đình tôi đang chờ đợi, nhất sau những ngày Tết 'ngán tận cổ' với bánh trưng, thịt gà và giò chả", chị Oanh chia sẻ.
Giá các mặt hàng này cũng tăng so với thời điểm trước Tết, tùy từng khu vực. Tại Hà Nội, một số chợ tại quận Cầu Giấy, Hà Đông, Ba Đình... giá các loại rau có mức tăng từ gấp rưỡi cho tới gấp hai, gấp ba lần trước Tết. Các loại rau sống, rau thơm có mức tăng cao hơn cả. Thịt bò và các loại hải sản cũng nhích lên, trong khi thịt lợn chỉ tăng nhẹ.
Bán hàng rau tại chợ Hà Đông, chị Minh cho biết sau Tết, các chợ đầu mối vẫn ít hàng do nhà vườn nghỉ chưa thu hoạch, hàng hoá vì thế đắt hơn ngày thường vài ba giá.
"Hàng hiếm nên các loại thực phẩm, rau sau Tết đắt đỏ hơn. Tăng giá nhiều nhất là rau thơm các loại, gấp 3 lần so với thời điểm trước Tết. Rau xà lách có giá 20.000 - 25.000 đồng một kg, chanh 5.000 đồng một quả…”, chị Minh cho biết. Theo tiểu thương này, phải qua ngày Rằm tháng Giêng, giá rau xanh mới có thể ổn định, trở về như trước nghỉ lễ.
Quầy rau xanh tại các siêu thị khá phong phú sau Tết. Ảnh: H.Thu
Đối với khu vực TP HCM, giá các mặt hàng rau xanh có mức tăng thấp hơn so với Hà Nội. "Rau muống ngoài chợ ngày thường tôi mua 10.000 đồng thì nay chỉ tăng lên 12.000 đồng, các loại khác có tăng nhưng không đến mức quá cao", chị Hạnh sống tại Gò Vấp, TP HCM cho biết.
Giá cả tăng thấp hơn một phần do người tiêu dùng thường có xu hướng đến các cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại mua hàng - nơi giá cả được bình ổn, không tăng so với trước Tết. "Đồ ăn trong cửa hàng tiện lợi ở gần nhà tôi hầu như không tăng giá so với trước Tết, giá thịt heo và các đồ tươi sống giữ khá ổn định", chị Hạnh cho biết.
Còn chị Muôn (quận 12, TP HCM) chia sẻ so với trước Tết, giá rau xanh tại một số chợ tăng 30-50%, trong đó nhóm tăng mạnh nhất là các loại rau ăn lẩu, rau sống. Tuy nhiên, mức này cũng không quá cao so với mọi năm. "Năm nay, nguồn hàng tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị khá phong phú nên nhu cầu của người tiêu dùng cũng được đáp ứng, các tiểu thương ở chợ cũng vì thế mà không ép giá quá cao", chị Muôn nói.
Mở cửa lại sau Tết, nhiều hệ thống siêu thị lập tức chạy các chương trình khuyến mãi nhằm "hút" khách mua sắm. Ảnh: H.Thu
Khảo sát tại một số hệ thống siêu thị - trung tâm thương mại như Aeon, BigC, Co.opmart... thì bên cạnh những đơn vị mở "xuyên" Tết, đa phần cũng đã hoạt động trở lại từ mùng 2 hoặc mùng 3. So với mọi năm, các siêu thị và trung tâm thương mại đã rút ngắn thời gian nghỉ Tết để đón đầu tâm lý của người dân hiện không còn mua dự trữ hàng hoá dài ngày.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Co.opmart cho biết, sức mua của các siêu thị thuộc hệ thống sau Tết khá tốt. "Chúng tôi đã chuẩn bị 110 tấn hàng để phục vụ người tiêu dùng trước và sau Tết Nguyên đán. Do vậy, giá cả các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là rau và đồ tươi sống không tăng dù nhu cầu tăng cao”, đại diện Co.opmart chia sẻ.
Là một trong những đơn vị mở cửa xuyên Tết đón khách, Aeon Mall (Long Biên, Hà Nội) ghi nhận không khí mua sắm khá sôi động tuy không quá đột biến so với ngày thường. Khu quầy hàng "hút" khách nhất vẫn là rau xanh, cá tươi và hoa quả, song cũng không có cảnh chen lấn để chọn mua. Theo đại diện các siêu thị, nhờ chuẩn bị kế hoạch kinh doanh từ trước và ký hợp đồng với nhà cung cấp nên siêu thị không bị hụt hàng trong thời gian nghỉ lễ, giá cả cũng được giữ ổn định.
Theo Minh Sơn - Anh Minh/vnexpress.net