Đầu xuân, thời tiết vùng cao khắc nghiệt, mưa rét liên miên ảnh hưởng rất lớn đến những người đi lễ hội, hành hương. Nhưng đó là chuyện nhỏ với dân “phượt” chuyên nghiệp. Họ đi vừa để thỏa khát khao khám phá, chinh phục, lại như những chuyến “hành xác” để có thêm tư liệu sống. Tất nhiên, để đến được chợ phiên Cán Cấu, nơi hội tụ những nét đẹp về cuộc sống người thiểu số vùng cao Si Ma Cai, hành trình cũng thật nan gian: Bơi trong sương mù và đường trơn nhiều dốc quanh co. Khi đến chợ rồi, những món ăn dân dã, đặc biệt là món cơm nóng với thịt lợn cắp nách sẽ làm du khách ấm bụng, vơi mệt mỏi. Đặc biệt, khi chứng kiến nếp sinh hoạt, buôn bán của người dân địa phương, đôi khi khách sẽ không nhịn được cười vì thấy ngộ nghĩnh, lạc quan, vui vẻ, thật thà. Ấy nên chuyện mua bán cũng không cần mặc cả nhiều.
Chợ phiên Cán Cấu họp vào thứ 7 hằng tuần bên dốc Cán Cư Sử, trên khu đất rộng. Hàng trăm con trâu, gần thì từ Bắc Hà, Mường Khường… (Lào Cai), xa tận Sín Mần (Hà Giang) được người dân đưa về giao dịch. Từ 6 giờ sáng, chợ đã trâu đã “tụ” về, đứng đen đặc cả khu đất rộng được san gạt thành nhiều tầng tựa như ruộng bậc thang.
Đầu xuân nên người vùng cao cũng thường tổ chức đám cưới. Nếu gia đình nào không có hoặc chưa chuẩn bị tiền thì phải dắt “đầu cơ nghiệp” ra chợ bán để lo cho con. Cũng nhiều người lội bộ cả chục cây số dắt trâu đến chợ Cán Cấu để “góp vui”, gần trưa sà vào quán làm vài chén rượu cùng bạn bè, người thân tới ngà ngà rồi về.
Tại phiên chợ, ngoài các mặt hàng truyền thống như vải vóc, nông sản hay các món ẩm thực truyền thống của đồng bào Mông, ở đây còn có một điều đặc biệt là chợ trâu. Chợ trâu được hình thành đã hàng chục năm nhưng đến nay vẫn giữ được những nét giản dị, hoang sơ và đặc trưng của đồng bào Mông. Ở các phiên chợ khác, việc mua bán trâu, bò chủ yếu do nam giới đảm nhiệm còn ở Cán Cấu, không chỉ nam giới mà nữ giới cũng tham gia. Cũng nhờ thế, nơi đây trở thành chợ phiên mua bán trâu lớn nhất vùng biên giới phía Bắc về quy mô lẫn số lượng. Có những phiên, số trâu lên đến vài trăm con, thu hút dân cư trong vùng và cả người dưới xuôi lên… giao dịch. Giữa “rừng” trâu, người mua kẻ bán cứ thầm lặng nhìn ngắm, đến khi ưng ý thì sôi nổi giao dịch. Còn những người đến chợ chỉ để ngắm trâu, xem cảnh giao dịch bán mua thì tụ tập thành từng nhóm quanh những chú trâu để ngắm nghía, bình phẩm. Giá một con trâu có thể là cả cơ nghiệp của người dân. Trâu đực loại to có thể bán với giá 25 triệu đồng, còn nghé từ 4 - 9 triệu đồng/con, trâu cái đẹp mã (hay đã có chửa) khoảng 18 - 30 triệu đồng/con, còn trâu thịt là 11 - 20 triệu đồng/con.
Với người dân vùng cao Lào Cai, đặc biệt là ở Si Ma Cai, phiên chợ thực sự là những ngày Tết. Bởi quanh năm làm việc quần quật trên các rẻo núi cao, họ rất ít có dịp giao lưu văn hóa. Chỉ đến cuối tuần mới có chợ phiên, người dân mới được gặp nhau, uống rượu và cười bả lả. Cái lý của đồng bào là: “Uống nhiều tốt nhiều, uống ít tốt chẳng bao nhiêu. Người tốt ra chợ mới có nhiều bạn mời rượu, mới say chứ cái bụng mà xấu, chẳng ai mời, uống một mình. Như thế vừa buồn vừa tủi, không say được”. Cũng vì cái lý này mà sau phiên chợ, trời về chiều, các ngả đường đều có những người nằm cuộn khoanh, ngáy khò khò. Ai còn đủ sức thì túm vào cái đuôi ngựa, leo dốc mà về.
Người dân Lào Cai nói riêng và người dân cả nước đã “thắp” lên niềm vui cho cuộc sống của mình bằng việc dự phần vào những phiên chợ với thói quen mua bán thật thà, chất phác. Ở chợ phiên Cán Cấu, người dân tổ chức ca hát, thổi khèn, bàn tính chuyện làm ăn và cũng là nơi hò hẹn của các lứa đôi. Những điều đó đã làm cho cuộc sống của người thiểu số vùng núi cao trở nên sinh động hơn.