Ông Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La cho biết, bên cạnh những tiết mục văn hóa truyền thống, múa sạp và vào vòng xòe của dân tộc Thái, công chúng Thủ đô cũng có dịp được thưởng thức các trò chơi dân gian của các dân tộc như: Đi cà kheo, tung còn, kéo co, chơi má lẹ của dân tộc Thái; Đẩy gậy, chơi quay (tu lu), rồng ấp trứng của dân tộc Hmông. Đặc biệt là văn hóa ẩm thực dân tộc Thái Sơn La với các món ăn đặc sắc, đậm đà hương vị riêng có của núi rừng Tây Bắc: Xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt trâu gác bếp, thịt nướng, cá nướng, canh đuôi bò nấu lá vón vén, rượu cần… đã được chính những người con vùng đất Sơn La mang đến Thủ đô với đầy đủ hương vị của các món ăn, văn hóa ứng xử và lòng hiếu khách của bà con các dân tộc Sơn La.
Cùng với những nét văn hóa đặc sắc của Sơn La, chương trình còn có sự tham gia của các nghệ nhân đến từ Hải Dương trình diễn cách chơi pháo đất truyền thống. Du khách và nhất là trẻ em có cơ hội trải nghiệm cách làm và chơi pháo đất do chính nghệ nhân hướng dẫn. Những người yêu thích sự vui nhộn sẽ được thưởng thức điệu múa tứ linh đến từ Bắc Ninh với việc thể hiện của bốn con vật: Long, Ly, Quy, Phượng. Ngoài các trò chơi dân gian của người Việt vốn thu hút du khách như: Kéo co, Đánh đu, Chạy ró, Đi cầu khỉ…, năm nay, công chúng có dịp trải nghiệm nhiều trò chơi của một số dân tộc ở Tây Bắc: Tó má lẹ, Tung còn, Nhảy bước (Thái), Rồng ấp trứng, Vật gậy, Ném pao, Chơi quay (Hmông, Dao)…
Những hoạt động như: xin chữ nhân dịp đầu năm mới và tìm hiểu ý nghĩa các chữ qua ông đồ viết thư pháp sẽ giúp công chúng hiểu thêm nét đẹp trong phong tục của dân tộc. Người say mê dòng tranh Tết dân gian được giao lưu với nghệ nhân in tranh Đông Hồ của người Việt ở Bắc Ninh và chọn những mẫu tranh mà mình yêu thích để tự tay in. Các bạn nhỏ có thể lựa chọn hoạt động với chủ đề khám phá 12 con giáp bằng cách tự tạy nặn tò he hay vẽ và tô tranh, nhất là tranh về những chú gà con xinh xắn. Bên cạnh đó còn có các hoạt động viết thư pháp, đánh đu, múa rối nước diễn ra từ mồng 4 Tết. Đặc biệt vào 18h, mồng 8 Tết (thứ bảy, ngày 4/2) có màn đốt pháo bông của các nghệ nhân đến từ Hải Dương.
PGS. TS. Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Đây là dịp để du khách cảm nhận giá trị của một số loại hình văn hóa phi vật thể của các cộng đồng tộc người, trực tiếp giao lưu với người dân để hiểu thêm vốn văn hóa quý giá của dân tộc. Nhân ngày đầu năm mới, du khách có dịp gặp gỡ người viết thư pháp để xin chữ mà mình ưa thích; tự tay in tranh Đông Hồ và trò chuyện với nghệ nhân của dòng tranh Tết truyền thống nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa; thử tài khéo tay qua việc nặn tò he, tô vẽ tranh 12 con giáp… Tối mồng 8 Tết, khách tham quan sẽ được thưởng thức màn đốt pháo bông đẹp mắt… sẽ làm cho sắc xuân tại Bảo tàng thêm lung linh, không khí vui chơi thêm phần náo nức. Ẩm thực dân tộc cũng đã góp phần giúp cho công chúng du xuân tận hưởng hương vị đặc sắc của những món ăn đến từ người Thái rất đặc trưng như: cá nướng, lạp xưởng, thịt bò, lợn gác bếp, chẩm chéo, xôi ngũ sắc... Thực hiện chương trình này, chúng tôi mong muốn giới thiệu các loại hình văn hóa của các tộc người ở nhiều vùng miền để tôn vinh các giá trị văn hóa, đề cao lòng tự hào đối với di sản, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”.
Trước đó, sáng 23 tháng Chạp (ngày 20/1/2017), Bảo tàng tổ chức chương trình Khám phá Tết Việt với các hoạt động trình diễn: dựng cây nêu, gói bánh chưng, in tranh Đông Hồ, viết thư pháp, múa sạp Thái, chơi các trò chơi dân gian… để phục vụ học sinh trên địa bàn Hà Nội.
Có thể nói, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho đông đảo công chúng vào dịp đầu xuân với những trải nghiệm và khám phá thú vị về văn hoá dân tộc. Với nội dung phong phú, đa dạng và có tính giáo dục cao, chương trình vui xuân hằng năm là “bữa tiệc văn hóa” vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách, vừa góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc.