Liên tục trong các ngày đầu tháng 8, phóng viên Báo Người Lao Động thâm nhập thực tế, chứng kiến cảnh lâm tặc vào rừng thuộc quản lý của Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng (huyện Mang Yang, Gia Lai) ngang nhiên lấy gỗ, đưa đi tiêu thụ.
Vận chuyển giữa ban ngày
Khoảng 15 giờ ngày 5-8, một nhóm lâm tặc chừng 5 người đi trên 5 xe máy độ chế, phía sau mỗi xe chở những hộp gỗ lớn, dài chừng 2 m ra khỏi cánh rừng thuộc xã Lơ Pang, đưa về tập kết trên con đường đất tại làng B’Lên (xã Pơ Lang, huyện Mang Yang).
Sau đó, nhóm lâm tặc trên tách ra thành từng tốp nhỏ tiếp tục di chuyển. Tốp đầu tiên xuất phát gồm 3 xe máy, phía sau chở gỗ di chuyển hướng về trung tâm huyện Mang Yang. Khoảng 15 phút sau, tốp còn lại gồm hai người, mỗi người chở hai hộp gỗ tiếp tục nổ máy.
Bám theo những người này, chúng tôi ra tới Tỉnh lộ 666. Lúc bắt kịp, hai lâm tặc cho xe lao vun vút trên đường. Tới địa phận làng Đắk Lăh, xã Lơ Pang, hai chiếc xe rẽ vào đường bê tông liên thôn, rồi tiếp tục vượt qua con suối làng A Lao, qua nhiều làng khác rồi hướng về trung tâm huyện Mang Yang. Con đường các lâm tặc này di chuyển từ địa phận làng B’Lên ra tới Quốc lộ 19 dài chừng 20 km.
Những cây gỗ bị chặt hạ còn trơ gốc tại lâm phần của Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng quản lý
Theo anh N.Đ.N, người dẫn đường cho chúng tôi, sở dĩ nhóm lâm tặc liều lĩnh chở gỗ vượt qua con suối làng A Lao là để tránh phải qua chốt kiểm tra liên ngành trên Tỉnh lộ 666 (đóng tại xã Đắk Jdrăng, huyện Mang Yang). “Lâm tặc khai thác gỗ đã diễn ra từ lâu rồi, cứ khoảng hai ngày là họ lại vào rừng chở gỗ ra một lần nhưng chưa thấy bị cơ quan chức năng bắt giữ lần nào” - anh N.Đ.N nói.
Theo một công nhân trồng cỏ tại địa bàn làng B’Lên, nhiều khi trời mưa lớn hay đường lầy lội, những người chở gỗ còn cắt thép gai hàng rào để đi vào đường của công ty cho khỏi ngã.
Khó kiểm soát
Sau nhiều ngày trời mưa tầm tã, ngày 8-8, phóng viên Báo Người Lao Động ngược theo con đường lâm tặc chở gỗ để vào khu rừng bị lâm tặc tàn phá.
Tại địa phận làng B’Lên có trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng. Qua chốt kiếm soát vài km, có hàng chục con đường xương cá dọc theo tuyến đường khai thác cũ. Lần theo những con đường xương cá này, phóng viên ghi nhận có rất nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ, trơ gốc. Một số cây gỗ bị cưa vào phần gốc nhưng chưa ngã, có lẽ do bị động nên lâm tặc chưa đốn hạ kịp.
Trong số những cây gỗ bị chặt hạ, chúng tôi ghi nhận một số cây mới chỉ chặt hạ thời gian chưa lâu, lá vẫn chưa héo hẳn. Một số cây có dấu bị chặt đổ lâu ngày nhưng vết cưa máy, mùn cưa còn rất mới. Một số ít gốc cây được đánh dấu bằng sơn đỏ song phần lớn chưa được đánh dấu.
Chiều cùng ngày, chúng tôi liên hệ để gặp ông Lê Văn Cậy, Giám đốc Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng. Ông Cậy báo bận việc ở xa nên đề nghị trao đổi qua điện thoại. Ông Cậy cho biết khu vực rừng phóng viên phản ánh chưa xác định được vị trí cụ thể bởi nó nằm ở vùng giáp ranh giữa lâm phần của công ty và lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra, lâm phần do UBND xã Hà Ra quản lý.
Theo ông Cậy, việc lâm tặc đi xe máy chở gỗ khúc ra khỏi rừng là có. Trước đây, công ty đã bắt được một số vụ việc rồi giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang xử lý nhưng gần đây không xảy ra vụ việc nào. “Khu vực này có trạm kiểm soát liên ngành đặt tại làng B’Lên, làm rất chặt chẽ nên lâm tặc không thể chở gỗ đi qua được” - ông Cậy khẳng định.
Dù vậy, ông Cậy thừa nhận có việc lâm tặc lợi dụng đi cắt cỏ cho bò, đi chở nông sản, đi trồng cây để qua mặt trạm vào rừng lấy gỗ sau khi đốn hạ. Ông thanh minh: “Lúc xuống thì có thể có gỗ nhưng lâm tặc đi đường khác chứ không đi qua chốt. Để ngăn chặn, anh em đi tuần tra gặp thì có bắt”. Theo ông Cậy, rất khó quản lý hết vì đường khai thác cũ có nhiều đường mòn, lâm tặc đi bằng xe máy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Long Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, cho hay trong những năm 2010, 2011, vẫn được phép khai thác gỗ tại lâm phần của Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng quản lý, còn từ năm 2012 đến nay thì dừng hẳn. “Nếu để xảy ra phá rừng thì đơn vị chủ rừng phải chịu trách nhiệm” - ông Sơn quả quyết.
Mất nhiều diện tích rừng
Theo báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng, nguồn tài nguyên rừng Tây Nguyên đang suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng và hệ sinh học. Tỉ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%, trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% là rừng nghèo kiệt; các loại gỗ quý có giá trị cao còn rất hiếm, các loại thảo dược quý hiếm bị khai thác cạn kiệt; số lượng động vật rừng bị giảm mạnh làm cho môi trường sinh thái Tây Nguyên trở nên đơn điệu, nghèo nàn. Từ năm 2010 đến 2014, rừng Tây Nguyên đã giảm hơn 307.000 ha khiến độ che phủ chỉ còn lại 45,8%; trữ lượng rừng giảm 57 triệu m3, tương ứng 17,4% trữ lượng. Theo Bộ NN-PTNT, diện tích rừng Tây Nguyên trong thời gian qua giảm mạnh do nhiều nguyên nhân chính như: chuyển đổi sang sản xuất 110.000 ha, chuyển đổi làm hạ tầng 37.800 ha…
C.Nguyên
Nghi bị lâm tặc tấn công, 3 kiểm lâm thương vong
Ngày 8-8, tại Tiểu khu 244 (xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã xảy ra vụ xô xát nghiêm trọng giữa nhóm đối tượng nghi là lâm tặc với cán bộ kiểm lâm.
Tối 8-8, ông Lê Hồng Nhân, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, xác nhận vụ việc trên. Theo ông Nhân, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực Tiểu khu 244, 2 cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban đã bị một số đối tượng “nghi lâm tặc” dùng hung khí tấn công. Vụ tấn công làm anh Nguyễn Ái Tĩnh chết tại chỗ; anh Tân Khoa bị thương rất nặng, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Cả 2 anh Tĩnh và Khoa đều là cán bộ quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban. Ngoài ra, một người nữa là anh Triệu Chòi Hiệp, Phó Ban Lâm nghiệp xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, cũng bị chém chấn thương vùng mặt. Hiện cơ quan chức năng đang phong tỏa hiện trường để điều tra làm rõ.
Đ.Thi
Ông ĐIỂU KRÉ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên:
Chưa thể khẳng định tình trạng phá rừng giảm hay không!
Phóng viên: Sau chỉ đạo đóng cửa rừng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có những chỉ đạo gì thưa ông?
- Ông Điểu Kré: Quyết định của Thủ tướng về việc đóng cửa rừng là một quyết định đúng. Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng cũng đã được triển khai đến từng tỉnh. Hiện các tỉnh khẩn trương vào cuộc, cùng với các bộ, ngành trung ương phối hợp chặt chẽ, quyết liệt trong việc triển khai kết luận của Thủ tướng.
Riêng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã và đang làm việc với từng tỉnh để nắm cụ thể diện tích rừng hiện còn, những khó khăn, vướng mắc để tổng hợp, báo cáo Chính phủ có hướng chỉ đạo thực hiện kết luận đóng cửa rừng.
Ông Điểu Kré - Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên Ảnh: CAO NGUYÊN
Cụ thể trước mắt phải làm những việc gì, thưa ông?
- Chúng tôi đang nắm hình hình hoạt động của các công ty, nông lâm trường quản lý bảo vệ rừng, xem họ hoạt động hiệu quả thế nào, hạn chế ra sao trong thời gian qua. Từ đó sẽ đưa ra chính sách, cơ chế sắp xếp, đổi mới các công ty, nông lâm trường để hoạt động hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Ông đánh giá thế nào về tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định đóng của rừng?
- Hiện nay chưa có đủ căn cứ để có thể khẳng định sau chỉ đạo của Thủ tướng, tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép giảm như thế nào. Chúng tôi cũng đang tổng hợp từ các tỉnh, sau đó sẽ báo cáo vấn đề này.