Ảnh minh họa (Internet)
Chi 4 tỷ đô la Mỹ để uống bia, chuyện thường mà!
Sáng 9/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội Dự án “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Trong dự án này, có rất nhiều con số, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Người Việt tiêu gần 4 tỷ USD tiền bia một năm”. 4 tỷ USD, nếu tính ra tiền Việt là khoảng 90.000 tỷ đồng. Con số đầy ấn tượng đấy chứ?! Mà đây mới chỉ là riêng tiền bia. Trên thực tế, chẳng mấy người uống bia suông, mà phải uống với đồ mồi. Thông thường, số tiền đồ mồi phải nhiều gấp hai, gấp ba lần tiền bia.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn nói rõ thêm, năm 2017, người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn. Bình quân, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia/năm. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Dẫn số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% -3,3% GDP của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất là 1,3% GDP, thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng/năm.
Đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).
Những con số trên là rất ấn tượng. Song, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu thẳng thắn là ông rất nghi ngờ những con số liên quan đến bia, rượu. Tôi cũng có ý nghĩ tương tự, nhưng cứ cho những con số tiêu cực (thiệt hại) này là đúng thì cũng cần đưa ra con số tích cực (nộp ngân sách, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng…) để làm đối trọng. Phải làm như thế thì chúng ta mới đánh giá đúng thực chất là bia, rượu có lợi hay có hại đối với Việt Nam.
Cần xây dựng văn hóa bia, rượu. Ảnh minh họa (Internet)
Ai có con số tích cực của bia, rượu? Công bố đi!
Con số tích cực là con số mà ngành sản xuất bia, rượu mang lại (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Chưa thấy ở đâu công bố con số này cả. Chỉ thấy nói năm 2016, ngành bia rượu nộp ngân sách khoảng 40.000 tỷ đồng, chỉ sau ngành dầu khí.
Nói như vậy để thấy, khi bàn về bia, rượu, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể. Nếu cái lợi do bia, rượu mang lại nhiều hơn cái hại thì rõ ràng là không thể nào cấm sản xuất và sử dụng bia, rượu được. Trên thế giới, đã từng có vài ba quốc gia đưa ra lệnh cấm bia, rượu và nhận kết quả không thể đắng hơn. Đầu thế kỷ 20, Mỹ làm điều này và phải chịu một cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Cuối thế kỷ 20, Liên Xô (cũ) làm điều tương tự và nó là một trong những nguyên nhân khiến cường quốc này sụp đổ.
Vì vậy, bây giờ đừng ai nghĩ tới chuyện cấm bia, rượu nữa! Nhưng bàn cách để bia, rượu càng ngày càng mang lại nhiều cái lợi hơn cái hại thì rõ ràng là rất cần thiết. Muốn vậy, hãy bàn từ tên của dự luật trở đi. Cái tên“Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” ổn chưa? “Phòng, chống” hay “Kiểm soát”? Từ “phòng, chống” được sử dụng nhiều lắm rồi và dường như nó không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Thật ra, để việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia mang lại cái lợi nhiều hơn cái hại, theo tôi, có hai vấn đề chính cần quan tâm: 1. Làm thế nào để kiểm soát được chất lượng bia, rượu?; 2. Bàn luận và xây dựng được văn hóa sử dụng bia, rượu. Nếu chúng ta làm tốt được hai vấn đề này thì bia, rượu sẽ mang lại nhiều niềm vui hơn nỗi buồn.
Ảnh minh họa (Internet)
Xây dựng văn hóa bia, rượu? Được quá đi chứ!
Những tác hại liên quan đến bia, rượu quá rõ; ai cũng có thể kể ra những trường hợp rất cụ thể và thương tâm: Nào là hết tiền vì bia, rượu; nào là nạn bạo hành trong gia đình ngày càng tăng; nào là tai nạn giao thông chết người liên quan đến bia, rượu ngày càng nhiều; nào là công chức, quan chức bê tha vì bia, rượu ngày càng rõ… Tất cả đều đúng và đều cùng có một nguyên nhân: Những người này đã quá chén, nghĩa là để cho “bia, rượu uống người”. Nói một cách đơn giản hơn là những người này không có văn hóa uống bia, uống rượu.
Bàn về văn hóa uống bia, uống rượu thì dài lắm. Hơn nữa, điều này lại phụ thuộc vào quan niệm, tửu lượng, thói quen của từng người, từng nhóm người. Bằng kinh nghiệm của mình và bạn bè, tôi chỉ đưa ra một số nguyên tắc để chúng ta tham khảo.
Là đàn ông Việt Nam, rất ít người từ chối được những lời mời uống bia, uống rượu trong những dịp lễ, tết, sinh nhật, liên hoan… thậm chí là trong một bữa ăn trưa hay ăn tối. Vì vậy, ai cũng cần phải biết cách tiếp cận với chuyện này và đưa ra nguyên tắc của riêng mình. Ví dụ, tôi có nguyên tắc không bao giờ uống rượu không rõ nguồn gốc. Thực hiện nguyên tắc này, tôi tránh được việc uống rượu tùm lum, uống phải rượu giả, rượu độc. Một nguyên tắc nữa là không bao giờ vay tiền để uống bia, uống rượu. Điều này giúp chúng ta lịch lãm, tự tin trong khi uống bia, uống rượu.
Ngoài nguyên tắc ra, cần có thủ thuật để dừng các cuộc rượu quá dài, uống quá nhiều. Câu nói “Hôm nay, chúng ta không uống nữa để chứng tỏ chúng ta là những người biết uống bia, uống rượu” thường có tác dụng. Trong số những người quen biết và bạn bè của tôi, hầu như không ai có lý lẽ để phản đối điều này cả. Trên thực tế, những người uống rượu một cách có văn hóa có lòng tự trọng rất cao. Không ai chịu nhận mình là không biết uống bia, uống rượu cả.
Liên quan đến bia, rượu là một câu chuyện dài. Điều này cần phải thảo luận, bàn bạc cho thấu đáo. Mục đích của các cuộc bàn luận là làm thế nào để bia, rượu mang lại những cái lợi nhiều hơn cái hại.
Rượu, bia là văn hóa và kinh tế
Loài người phát minh ra rượu, bia từ lâu lắm rồi. Rượu, bia cũng gây hại quá nhiều rồi nhưng loài người không thể chối bỏ nó được.
Đọc những áng cổ văn, xem những bộ phim dã sử, chúng ta thấy loài người đã hào hứng sử dụng rượu, bia từ hàng ngàn năm trước. Rồi chứng kiến các yến tiệc quốc gia của những người đáng kính nhất, quan trọng nhất vẫn thấy họ sử dụng rượu, bia. Hơn nữa, rượu, bia không bao giờ thiếu trong các buổi chiêu đãi thượng khách của bất cứ quốc gia nào.
Như vậy, uống rượu, uống bia về thực chất là hoạt động văn hóa, ngoại giao từ cấp cao nhất, quan trọng nhất tới những người dân bình thường nhất. Vì vậy, hoạt động này phải được trân trọng và bảo tồn.
Cũng đã từ lâu, rượu, bia là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quan trọng của nhiều quốc gia. Rượu bia luôn luôn là những mặt hàng có đóng góp vào ngân sách rất cao. Việt Nam là quốc gia mới bước vào phát triển những năm gần đây nhưng rượu, bia đã đứng hàng thứ hai (sau dầu khí) về nộp ngân sách.
Như vậy, chúng ta phải công nhận vai trò quan trọng của rượu, bia trong đời sống của con người. Rượu, bia có vài trò không thể thay thế trong hai hoạt động cơ bản của con người là hoạt động văn hóa và kinh tế. Vì vậy, ở đây chỉ có thể bàn là làm thế nào để rượu, bia phát huy tác dụng tính tích cực cao nhất mà thôi, chứ không bàn đến chuyện cấm.
Văn hóa là trường tồn, kinh tế là động lực phát triển; vì vậy, chúng ta phải tìm ra cách ứng xử với rượu, bia một cách thỏa đáng nhất, văn minh nhất.
Đàm Trọng
Hồ Bất Khuất/GĐTE