Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Rượu cần - sản phẩm độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên

(Dân sinh) - Đối với người Tây Nguyên, rượu cần trước hết là vật để dâng hiến các thần (Yàng), sau đó đến nhu cầu của con người. Cũng như trâu, bò nuôi chủ yếu để làm hiến sinh, sau đó mới đến con người. Ở Tây Nguyên tất cả các lễ hội không bao giờ thiếu vắng rượu cần. Ngoài giá trị vật chất, rượu cần còn biểu hiện cho văn hóa giao tiếp.

Rượu cần đối với người Tây Nguyên là sản phẩm văn hoá vật chất tinh thần của mỗi gia đình. Đặc biệt trong các lễ hội và để mời khách quý, rượu cần còn phản ánh tinh thần cộng đồng là vật dâng hiến cho thần linh. Để có được một ché rượu ngon đúng hương vị của người bản địa rượu phải ngọt đắng, uống vào luôn có cảm giác nồng ấm, sảng khoái và vui vẻ hoà đồng với mọi người, yêu thiên nhiên đất nước. Giàng (trời) tối cao đã ban cho Tây Nguyên rượu cần và ngàn đời nay đã trở thành thuần phong mỹ tục, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Tất cả mọi người, già trẻ, gái trai, không phân biệt chức sắc hay thường dân, ai cũng có thể vin cần mà uống. Uống được bao nhiêu tùy cái bụng của mình

Rượu cần sản phẩm độc đáo của các dân tộc tại Tây Nguyên - Ảnh 1.

Chuẩn bị ché trước khi làm rượu cần

Bởi uống rượu cần vào con người mới thăng hoa, âm nhạc mới bốc đến độ cao trào, mọi khả năng nghệ thuật mới được biểu hiện đến mức tuôn chảy tự nhiên. Song cái biểu hiện để nhận biết nhất ở rượu cần là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng. Thông qua đó mọi người hiểu biết nhau hơn, xích lại gần nhau, đoàn kết vượt qua mọi thử thách. Mỗi khi gia đình có việc, không cần mời mọc mà chỉ cần một tín hiệu như tiếng tù và hoặc hồi chiêng, trống thì cả làng đều có mặt, cùng góp rượu và vật chất để chia sẻ niềm vui những khó khăn, mất mát, đau thương. Rượu cần đã gắn bó với các dân tộc Tây Nguyên qua bao thăng trầm của lịch sử tộc người. Rượu cần là lời chào mời thân thiết (khi gặp bạn), là điều nhắc nhở đôi trai gái phải tuân thủ những phong tục của cha ông (trong lễ cưới) là một quyết định mang tính chất hành chính (trong lễ "thổi tai" công nhận đứa trẻ vào cộng đồng), là tình cảm xót thương, li biệt của người sống với người đã chết. Nó là sợi dây liên kết cộng đồng, trở thành một phương diện văn hóa có sức sống lâu bền trong đời sống các cư dân Tây Nguyên.

Đi dọc các bon làng ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc ché được các gia đình phơi trước sân. Đây là công đoạn đầu tiên để sản xuất rượu cần theo cách truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ. Cũng như bao gia đình, trước sân nhà bà Grum, ở bon N'Jriêng, xã Đắk Nia, có hàng chục chiếc ché đang được phơi để chuẩn bị sản xuất rượu cần phục vụ khách. Trong bếp dụng cụ nấu cơm, bát xới cơm, men cây rừng được bà chuẩn bị sẵn. Phía trong nhà, bà Grum dành hẳn 1 gian nhà để trưng bày hơn 100 ché đã ủ men, sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Bà Grum, dân tộc Mạ, năm nay 53 tuổi nhưng đã có hơn 40 năm làm rượu cần. Năm 12 tuổi, bà Grum được kế thừa công thức và kinh nghiệm làm rượu cần truyền thống từ mẹ. Bà Grum kể, ban đầu bà chỉ nấu rượu cần cho gia đình. Trong lễ cúng lúa mới hàng xóm đến uống rượu cần của bà thấy ngon nên mỗi khi đãi khách hay tết thường đến nhà bà đặt rượu. Từ đó, bà trở thành thợ nấu rượu cần.

Rượu cần sản phẩm độc đáo của các dân tộc tại Tây Nguyên - Ảnh 2.

Những ché rượu cần trong lễ hội mang bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên

Bà Grum đã duy trì nghề làm rượu cần hơn 20 năm nay, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, bà sản xuất rượu cần thường xuyên hơn, rượu luôn để sẵn trong nhà để bán quanh năm. Bà chia sẻ: "Tuần nào tôi cũng làm rượu cần để bán cho khách du lịch và các gia đình trong và ngoài tỉnh. Mùa tiêu thụ rượu cần nhiều là dịp lễ hội, dịp tết, nên tôi thường làm số lượng lớn vào các ngày này. Từ đầu năm đến nay, tôi bán được khoảng hơn 100 ché loại từ 5 - 12 lít. Riêng dịp Tết Nguyên đán, tôi đang chuẩn bị hơn 200 ché để phục vụ khách hàng".

Tương tự, để chuẩn bị rượu cần, gia đình bà H'Mai, ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, cũng đang tất bật với công việc chuẩn bị ché rượu. Bà H'Mai đang phơi hơn 200 ché rượu, giã hơn 30 kg bột men từ lá cây rừng, chuẩn bị hơn 4 tạ gạo ngon để sản xuất rượu cần. Gia đình bà H'Mai đã xây riêng một căn nhà rộng khoảng 60m2 làm nơi nấu, ủ rượu cần.

Bà H'Mai cho biết, tuần nào bà cũng nấu rượu để bán, tháng cao điểm sản xuất rượu cần bà đã chuẩn bị khoảng 200 ché rượu cần loại từ 5 - 12 lít để phục vụ khách hàng. Để có ché rượu chất lượng, bà nhập ché từ Hà Nội vào để bảo đảm đáy ché không rỉ rượu.

Là đồng bào dân tộc Mạ, bà H'Mai năm nay 51 tuổi được bà ngoại truyền cho "bí kíp" làm rượu cần khi mới lên 14 tuổi. Bà chia sẻ, bí quyết để làm rượu cần ngon phải bắt đầu từ khâu chuẩn bị ché rượu. Ché sau khi được vệ sinh sạch sẽ còn phải tráng qua bằng nước nấu từ lá cây Rdong. Lấy lá Rdong nấu nước bỏ vào trong ché và mang phơi nắng. Khi nào lá Rdong trong ché khô thì ché đó đã khô và mang đi ủ rượu. Ché khô thì khi ủ rượu sẽ không bị chua, giữ được mùi thơm đặc trưng. Để có được ché rượu cần ngon không thể thiếu men cây rừng, loại men giúp rượu có màu đẹp, mùi thơm đặc trưng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, cách làm rượu cần truyền thống là nấu cơm gạo, trộn một ít gạo nếp, cơm chín để nguội, trộn men rừng, vỏ trấu và cho vào ché ủ. Cách làm là vậy nhưng để có được ché rượu ngon thì cần một người có tay nghề cao để đo đúng liều lượng của các loại nguyên liệu, sao cho tất cả vừa đủ.

Rượu cần sản phẩm độc đáo của các dân tộc tại Tây Nguyên - Ảnh 3.

Men truyền thống để làm rượu cần

Hiện nay TP. Gia Nghĩa đã lập đề án du lịch để bảo tồn bản sắc dân tộc trong đó có nghề rượu cần truyền thống. Để người dân gắn bó và phát triển nghề bền vững thì việc quan trọng nhất phải phát triển du lịch để bán được nhiều sản phẩm và lồng ghép các dịch vụ khác cho du khách. Xã Đắk Nia đã chọn sản phẩm rượu cần là sản phẩm OCOP của xã và bước đầu được đánh giá đạt chất lượng 3/5 sao trong tiêu chí đánh giá, xếp hạng của OCOP quốc gia.

Việc tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm truyền thống đã và đang góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế, giá trị truyền thống của nghề làm rượu cần tại xã Đắk Nia. Qua hiệu quả bước đầu cho thấy, đây là cách bảo tồn văn hóa truyền thống hiệu quả, bền vững và phù hợp xu thế hiện nay.