Món quà xứ Lạng
Quýt Bắc Sơn nổi tiếng bởi màu sắc hấp dẫn, quả căng mọng, ít hạt, có vị ngọt đậm nhưng hơi chua, hương vị rất đặc trưng mà nơi khác không có được. Là loại cây ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên quýt Bắc Sơn sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500 - 700m so với mực nước biển.
Bà Hoàng Thị Thân ở xã Long Đống cho biết, nhà bà trồng được hơn 300 gốc quýt, tính đến nay cũng được 25 năm, mỗi vụ thu hoạch từ 7 đến 8 tạ, năm nào được mùa là 1 tấn. Mỗi năm thu nhập từ vườn khoảng hơn 30 triệu đồng. Theo bà Thân, cây quýt ở Bắc Sơn có tuổi thọ dài, sinh trưởng tốt cho quả rất ngon, không phải chăm bón nhiều so với các loại cây trồng khác mà lại cho thu nhập cao hơn nhiều, đầu ra ổn định. Giá bán trung bình tại vườn khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Ngoài trồng quýt, gia đình bà Thân còn cấy thêm 6 sào ruộng, chăm nuôi bò thịt và trồng hồi, vì vậy kinh tế gia đình bà luôn ổn định với thu khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.
Cũng như bà Thân, bà Hoàng Thị Lành, dân tộc Tày, ở xã Long Đống cho biết, ngày xưa quả quýt trồng chỉ để ăn, sau thấy quả ngon, lành, đẹp, nhiều người tìm đến dùng hàng đối lưu hoặc mua bán. Trải qua 3 thập kỷ, ngoài việc canh tác cây lúa, củ khoai, người dân đã biết đầu tư để phát triển cây quýt đặc sản.
"Hiện nhà bác có hai mảnh vườn, trồng được gần 400 gốc quýt từ hơn hai mươi năm nay, mỗi vụ cho thu hoạch từ 1 - 1,5 tấn. Ngoài nguồn thu nhập chính từ cây quýt bác còn chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, ngô… do vậy cuộc sống no đủ, không sợ cái đói, cái rét", bà Lành phấn khởi cho biết.
Nếu như phần lớn các hộ trồng quýt trong lân, lũng thì gia đình ông Đỗ Văn Sơn, thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn lại trồng quýt trên đất nương bãi và đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế của gia đình ông. Giống quýt ông lựa chọn trồng là quýt đầu dòng chiết cành. Sau 4 năm trồng và chăm sóc, 300 cây quýt đã cho những trái ngọt đầu tiên. Với giá thị trường dao động từ 25 - 30.000 đồng/kg, gia đình thu về từ 120 - 150 triệu đồng. Ông Sơn cho biết: Trồng quýt trên đất nương bãi thuận lợi hơn trong việc chăm sóc và thu hoạch. Phát triển loại cây ăn quả này có hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác.
Ông Dương Công Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: "Toàn xã có gần 90 ha quýt, trong đó, có 37 hộ với 35 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngày xưa giống quýt vàng Bắc Sơn được trồng bằng hạt, vì vậy phải 7, 8 năm sau cây quýt mới cho thu hoạch. Giờ người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật để đưa cây quýt "hạ sơn" trồng ở nương bãi, vườn ruộng".
Cây chủ lực xóa đói giảm nghèo
Ông Dương Trần Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết, quýt Bắc Sơn là giống cây trồng đặc trưng, có giá trị kinh tế cao. Quả quýt vàng Bắc Sơn có hương vị đặc trưng, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Hiện huyện Bắc Sơn có gần 600 ha cây quýt, số diện tích đến kỳ cho quả trên 360ha, mỗi năm thu hoạch hơn 1.300 tấn quả, tổng giá trị thu về hơn 40 tỷ đồng/năm. Vùng quýt tập trung nhiều ở các xã: Chiến Thắng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Long Đống, Vũ Sơn, Đồng Ý, Nhất Hoà, Nhất Tiến, Tân Hương, Vũ Lăng.
Thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 trong đó có phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi (bưởi, cam, quýt), hàng năm UBND huyện Bắc Sơn giao chỉ tiêu cho các xã trồng mới được khoảng 150 ha, đưa tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt lên trên 1.712 ha.
Ông Vi Đình Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Tổng diện tích quýt trên địa bàn huyện là 600 ha, diện tích cho sản phẩm là 448ha. Năng suất 55 - 59 tạ/ha, sản lượng 2.600 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Giá trị kinh tế thu được: Với năng suất bình quân 55 - 59 tạ/ha, giá bán bình quân 15.000 - 20.000 đồng/kg, giá trị kinh tế thu được bình quân đạt 100 triệu đồng/ha, doanh thu đạt 35 - 40 tỷ đồng/năm. Từ năm 2016 đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với cây quýt vàng Bắc Sơn được trên 140 ha tại 2 xã Chiến Thắng và Vũ Sơn. Đã triển khai mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt cho các xã trên địa bàn huyện được trên 50ha. Năm 2017 huyện Bắc Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn. Năm 2018 được vinh danh thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Song song với việc đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, những năm gần đây người dân đã gắn hoạt động thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại vườn cây ăn quả. Kết quả năm 2017, 2018 mỗi năm đã thu hút được trên 20 nghìn lượt khách gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp mang lại thu nhập trên 700 triệu đồng.