Nhưng có những cuốn sách nội dung bên trong càng cũ thì càng có giá trị, vì các dịch giả là những tên tuổi nổi tiếng, để dịch một cuốn sách kiệt tác đòi hỏi trình độ, sự am hiểu và vốn ngôn ngữ chueyenr tải sao cho đúng ngữ cảnh, và không mất đi giọng điệu hấp dẫn của tác giả. Điều khó tìm thấy ở sách dịch mới, vốn chỉ thuê sinh viên dịch, vừa ít kiến thức, ngôn ngữ là kém. Do đó, lượng người mê và săn tìm mua sách cũ đang không ngừng tăng lên.
...Có những người tâm huyết với nghề
“Trước kia, bác không ngờ rằng sách có một sức mạnh lạ kì đến thế, rằng nó có thể nói về cuộc sống một cách rõ ràng và bắt người ta phải hiểu khác và sống khác đến thế”, lời của nhân vật mê sách trong truyện ngắn “Cuốn sách cổ”.
Đi dọc trên đường Láng hay con phố Khương Trung nằm ẩn mình trong góc nhỏ, chúng ta không quá khó để tìm được những cửa hàng sách cũ nhưng không phải ai trong số những người kinh doanh sách cũ cũng hiểu ngọn ngành về chúng. Có rất nhiều lí do để một người bắt đầu tìm đến những cuốn sách nhưng không phải ai cũng chọn cho mình con đường về với sách cũ, nhất là trong cuộc sống hiện đại, thời buổi công nghệ bùng phát như hiện nay.
Trò chuyện cùng phóng viên, chị Phạm Thị Quý, chủ cửa hàng “Sách truyện vỉa hè” (phố Khương Trung) chia sẻ: “Đọc sách là thói quên không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày và dần dần trở thành niềm đam mê lúc nào không biết. Ngày bé mua sách về chỉ mang tính sưu tầm nhưng sau này đọc chán thì đem ra bán đến khi là sinh viên thì nó trở thành công việc để trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Những cuốn sách cũ.
“Sách truyện vỉa hè” là cửa hàng online mua bán sách cũ với giá cả rất sinh viên, dao động từ 5.000đ (sách mỏng: 5 đến gần 15 trang) đến 50.000đ (sách dày hơn) nên được rất nhiều bạn ở nhiều nơi đặt hàng, số lượng sách bán ra 1 ngày vào khoảng 1/3 số sách nhập từ bên Bắc Ninh, Nam Định về, có những mối lấy sách quen nếu có sách mới thì họ gọi rồi đi lấy về bán, thường thì hết đến đau lấy đến đấy hoặc do khách đặt thì sẽ đi lấy cho khách.
Còn trong những ngày hội như Đại hộ sách cũ thì bán được gần ½ số sách mang ra chủ yếu là những thể loại văn học, văn hóa, lịch sử, các sách về khoa học kĩ thuật thì ít hơn với giá bán như những ngày thường.
Đối với những người dành toàn tâm toàn ý cho những trang sách thì mỗi ngày họ còn dành một khoảng thời gian nhất định để đọc lại những cuốn sách cũ chỉ để có kiến thức trao đổi sâu hơn với những khách hàng am hiểu về sách. Nên nhiều người kinh doanh sách cũ sau một thời gian sống thực sự với nghề, họ dường như trở thành một cuốn “từ điển sống” mà khách hàng có thể “tra cứu” một cách nhanh chóng và thấu đáo.
Cũng như “người ôm vạn rưỡi cuốn sách cũ”- anh Lê Văn Hợp, Chủ cửa hàng Sách cũ Hà Thành (ở phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội) bày tỏ, sở thích đọc sách có từ khi còn nhỏ nhưng 10 năm trở lại đây thì mới thực sự là sưu tầm sách.
Theo anh Hợp, việc sưu tầm sách là công việc rất khó khăn, nan giản bởi nguồn sách cũ không có nhiều và muốn được có những cuốn sách ưng ý thì phải đi tìm ở những tỉnh khác như Bắc Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn,... đồng thời còn trao đổi sách với những người có cùng sở thích, mua lại từ những dân chơi sách,...
Đến thời điểm hiện tại, “Sách cũ Hà Thành” đã được nhiều bạn trẻ biết đến vì thế số đơn đặt hàng ngày một tăng, có ngày lên tới cả chục cân sách. Năm nay, cửa hàng mang tới hội sách những cuốn sách cũ gồm nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, kinh doanh, truyện tranh,... Anh Hợp tâm sự: “Khi sưu tầm, tôi chỉ muốn góp một phần nào đó tạo nên nét đẹp văn hóa cho mọi người để có thói quen đọc sách.
Một cửa hàng sách cũ.
Các bạn trẻ không hề thờ ơ với sách cũ
Sách cũ trở nên quý giá bởi nhiều lý do, dù in trên giấy màu đen nhưng dễ đọc và không làm lóa mắt, nhưng quan trọng hơn cả là có nhiều cuốn hiện nay không được tái bản và lối viết, dịch khoáng đạt, mang đậm phong cách văn chương của người dịch (bởi hầu hết dịch giả đồng thời cũng là nhà văn chứ không chỉ là “thợ dịch”).
Và những bộ sách là công trình nghiên cứu, khảo cứu của các học giả xưa vẫn còn nguyên giá trị, làm quy chuẩn so sánh cho người học, người nghiên cứu hiện nay.
Những cuốn sách ưa thích hay những tác phẩm đã đọc khi còn nhỏ thì bây giờ không còn tái bản nữa vì thế khi tìm đến với sách cũ là tìm đến sự hi vọng sẽ tìm lại được chúng như những tác phẩm văn học Liên Xô (cũ) sách thiên văn, khoa học,.....
“Bây giờ có rất nhiều sách truyện online nhưng mình lại thích cái cảm giác được sở hữu cho mình những cuốn sách độc, được hít hà mùi sách cũ với một mức giá phải chăng, phù hợp với túi tiền của sinh viên”, bạn Trần Đức Trung, sinh viên Đại học Kiến trúc nói:
Một giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho biết: “Khi còn là sinh viên, bản thân tôi cũng đi săn lùng rất nhiều nơi bán sách cũ, nơi nào có sách chuyên ngành của mình là mua, có những khi còn mua chịu, bây giờ tôi vẫn giữ cái thói quen đi mua và tìm đọc những quyển sách cũ như để nhớ về thời sinh viên nhưng bên cạnh đó, sách cũ còn như là một vật minh chứng cho thời gian, cho lịch sử vì thế mỗi người đọc cần phải biết cách bảo quản đúng cách thì sách mới bền”.
Cùng chung sở thích, niềm đam mê với sách cũ, các công ty sách cũng bắt tay vào cuộc mở những đại hội về sách cũ, điển hình như Đại hội sách cũ được Alpha Book tổ chức đã thực sự thu hút được sự quan tâm của người dân và các bạn trẻ trong cả nước. Đây chính là dịp kết nối, trao đổi, giao lưu giữa những người đam mê sách cũ và giúp cho giá trị của sách nói chung luôn bền vững với thời gian.