Vừa qua, Spiderum - mạng xã hội chia sẻ kiến thức và thảo luận - đã phối hợp cùng TopCV - nền tảng công nghệ tuyển dụng hàng đầu - tổ chức talkshow: “Mình nói gì khi nói về ngành Xã hội và Nhân văn?” nhân dịp ra mắt cuốn sách “Người trong muôn nghề: Ngành Xã hội & Nhân văn có gì?”.
Sự kiện đã có sự góp mặt và chia sẻ của các diễn giả đồng thời là tác giả trong cuốn sách: Nhà báo Phạm Gia Hiền - Trưởng ban Phóng viên Tạp chí Ngày Nay của UNESCO; Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành - Đồng sáng lập Đường dây nóng Ngày Mai; anh Nguyễn Đình Thành - chuyên gia Truyền thông và Quan hệ công chúng. Bên cạnh các tác giả sách, đến tham dự talkshow còn có tiếng nói của người trẻ với những suy tư, trăn trở về vai trò và sự phát triển của bản thân trong lĩnh vực mà mình lựa chọn, mà cụ thể trong talkshow lần này là ngành Xã hội và Nhân văn với sự hiện diện và chia sẻ của của bạn Vũ Hoàng Long - tác giả sách “Kiếp người - Vĩnh cửu và vô thường”, Blogger Người Kể Chuyện.
Các diễn giả đã cùng bàn luận về vai trò của ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn trong thế giới hiện đại ngày nay, đồng thời giải ảo các định kiến về ngành như: học Xã hội và Nhân văn chỉ học văn, sử, địa, lý thuyết, thuộc lòng, chỉ làm nghiên cứu; kiến thức lý luận nhiều, thiếu thực tế,... Song song với đó là những câu chuyện học nghề, làm nghề của các diễn giả, đã đem đến cho các bạn trẻ một góc nhìn thực tế hơn và truyền cảm hứng để các bạn có thể tự tin vào ngành.
Các bậc phụ huynh và các bạn trẻ đã có cuộc thảo luận sôi nổi với các khách mời, rất nhiều câu hỏi và vấn đề đã được đặt ra về ngành Xã hội và Nhân văn. Điều đó cho thấy sự quan tâm và sự chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết về ngành nghề và tự định hướng nghề nghiệp của các bạn trẻ ngày nay.
Cuốn sách “Người trong muôn nghề: Ngành Xã hội & Nhân văn có gì?” là tập hợp 19 bài viết chứa đựng những chia sẻ giản dị và gần gũi của các tác giả – những người trực tiếp hoạt động trong đa dạng các vị trí liên quan đến ngành Xã hội & Nhân văn: nhà báo, giáo viên, biên/phiên dịch, chuyên gia tâm lý, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu,... Họ đến từ mọi độ tuổi, hoàn cảnh: từ những bạn trẻ mới vào nghề cho đến những người đã dạn dày công việc gần 50 năm; có người tìm thấy và theo đuổi đam mê từ nhỏ, có người lại do cuộc đời đưa đẩy mà gắn bó với nghề.
Từ chia sẻ của những người đi trước, “Người trong muôn nghề: Ngành Xã hội và Nhân văn có gì?” giúp độc giả trẻ thấu hiểu lĩnh vực này không quá hàn lâm và mơ hồ như những cái tên: xã hội học, triết học, nhân học,... Những công việc nằm trong khối ngành này rất gần gũi và gắn liền với đời sống con người.
Đồng thời, cuốn sách cũng giải thích các định kiến sai lầm như: “Ngành xã hội toàn học thuộc lòng, chẳng cần tư duy”; “Dân học xã hội chỉ lý luận suông”; “Ngành này tốt nghiệp xong chẳng có chuyên môn gì, khó xin việc”. Bạn đọc sẽ thấy rằng: Người học tập trong khối Xã hội và Nhân văn cũng sở hữu khả năng nhìn nhận và tư duy mạch lạc. Cơ hội việc làm trong khối ngành này vô cùng đa dạng và rộng mở.