Anh Hoàng, ở làng Ngọc Hà (Hà Nội) có con gái lên 4 tuổi được bà mua tặng cuốn Truyện cổ tích Việt Nam của Nhà xuất bản Hải Phòng. Anh Hoàng lấy sách đọc cho con, tới truyện Thỏ trắng và Hổ xám thì giật mình, không dám đọc cho con nghe nữa. “Câu chuyện về chú thỏ bằng mưu trí đã vượt qua sự rình rập, đe dọa của hổ xám gian ác.
Trong truyện, nhóm biên soạn sách dùng ngôn từ thô tục, như dùng văn nói, ngôn từ dân dã, có những câu như: "Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp dái hổ", thậm chí, còn đưa cả câu chửi bậy vào truyện: "Mẹ mày con thỏ!"- Anh Hoàng bức xúc cho biết.
Những sai sót trong sách dành cho thiếu nhi như anh Hoàng nói không phải là hiếm. Thời gian qua, rất nhiều cuốn truyện cổ tích bị phát hiện có những dị bản không phù hợp với trẻ em. Truyện cổ tích Việt Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng in dị bản truyện Thạch Sanh với chi tiết mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con và cả những ngôn từ bạo lực như: "Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi".
Cuốn sách này đã phải thu hồi, chỉnh sửa. Rồi cuốn Truyện Sọ Dừa in dị bản mẹ Sọ Dừa uống nước trong sọ người cũng bị thu hồi tiêu hủy, Nhà xuất bản cũng đã bị phạt tiền. Mới đây, bộ truyện tranh Thần thoại Hy Lạp của Nhà xuất bản Kim Đồng cũng bị phát hiện có những hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi vì có trang vẽ hình một pho tượng lõa thể...
Cần mang đến cho trẻ thế giới nhân văn trong sáng...
Rõ ràng, thị trường sách thiếu nhi hiện nay đang bị "loạn" với rất nhiều đầu sách được xuất bản mỗi năm, trong khi lại thiếu đi bàn tay điều chỉnh của các nhà quản lý.
Nhà giáo Ưu tú, TS. Đặng Thu Thủy, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc lọt lưới những cuốn sách, truyện có nội dung, tranh minh họa phản cảm là lỗi của các nhà xuất bản đã buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập và liên kết, biên tập không kỹ, thiếu nhạy bén chính trị. Điều đó cho thấy trình độ, năng lực biên tập của đội ngũ những người làm sách trong các nhà xuất bản hiện nay còn yếu.
“Để giữ được vị thế, hình ảnh của mình trong lòng bạn đọc, các nhà xuất bản cần xốc lại khâu kiểm duyệt sách dành cho thiếu nhi; cần nâng cao, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ biên tập viên nhằm ngăn chặn những cuốn sách nhảm, sách rác ra ngoài thị trường” – TS Đặng Thu Thủy nhấn mạnh.
Do là truyện dân gian nên truyện cổ tích cho trẻ em thường có nhiều dị bản. Theo TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, trong những sách mang tính sưu tầm từ kho tàng văn hóa dân gian, việc lưu giữ các dị bản còn nhằm thêm mục đích nghiên cứu cho nhiều đối tượng, chứ không hướng đến một đối tượng cụ thể.Còn trong truyện tranh cho trẻ em, ở một mức độ nào đó, người làm sách nên tránh đi vài chi tiết có thể gây ra sự ghê sợ cho trẻ mà vẫn không làm mất đi nội dung chính của truyện. Hoặc, người lớn như cha mẹ, thầy cô nên trao đổi cùng trẻ các chi tiết gây tranh cãi để nắm được suy nghĩ, cảm nhận của trẻ từ đó cùng trẻ rút ra bài học về câu chuyện.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng, việc thêm hay bớt, biên tập lại những câu chuyện cổ tích hoàn toàn nên làm nếu điều đó đưa đến cho trẻ em một thế giới nhân văn trong sáng, ấm áp tình người. Ví dụ, việc sửa lại truyện Tấm Cám là đúng, nhưng thêm mới những tình tiết ghê rợn và thô lậu như truyện Thạch Sanh thì không, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm của người làm sách.
“Thử hình dung ra một ông bố kể cho đứa con 5 tuổi đến đoạn Thạch Sanh chém phọt óc trăn tinh, con sẽ tròn mắt và hỏi: Phọt óc là thế nào? Người bố có dám trợn mắt hung hãn mô tả cụ thể cái sự phọt óc đấy hay không? Hay là đoạn bà mẹ phải cởi nốt cái quần duy nhất trên người, ông bố sẽ minh họa kiểu gì? Việc thêm thắt biến tướng này là không thể chấp nhận. Quay lại vấn đề, mỗi gia đình hãy tự bảo vệ thế giới trong sáng nhân bản của con, cháu trước những sản phẩm độc hại về tinh thần ngày càng phát triển, biến tướng không ngừng tiếp cận các con dưới mọi hình thức"„ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhấn mạnh.