Theo nghiên cứu của Đại học Brown (Hoa Kỳ), làn da bình thường tiết ra các a xít hữu cơ giúp da nhờn, đàn hồi chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, bụi bẩn. Khi trời lạnh, da tiết ít mồ hôi và các a xít hữu cơ khiến da trở nên khô hơn. Do đó, bôi kem dưỡng ẩm là một trong những phương pháp làm hạn chế da bị khô trong mùa đông lạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù kem dưỡng ẩm tốt nhưng cũng sẽ phản tác dụng nếu dùng sai cách. Chẳng hạn, nếu bôi quá nhiều sẽ gây cảm giác bí bách trên da. Điều này làm tăng nguy cơ "ủ" mụn và gây ngứa da.
Ngoài ra, việc dùng loại kem dưỡng ẩm không phù hợp với làn da cũng khiến da dễ bị mẩn ngứa, thậm chí dị ứng. Chẳng hạn, với những người da đang bị nổi mụn, da nhờn, nếu dùng loại kem dưỡng ẩm chứa nhiều dầu vừa khiến lượng dầu dư thừa không cần thiết vừa làm tình trạng mụn trầm trọng hơn. Do đó, những người da nhờn, nhiều dầu nên lựa chọn loại kem dưỡng ẩm có kết cấu như sữa dưỡng, kem dưỡng dạng gel hoặc sáp...sẽ giúp da mịn màng và khô thoáng.
Ngược lại, đối với da khô nên chọn kem dưỡng lỏng hơn, không quá đặc, tránh khiến da “ngạt thở”. Dù loại da nào thì cũng nên lựa chọn loại kem với chiết xuất từ tự nhiên, không gây kích ứng và dưỡng ẩm da hiệu quả.
Bên cạnh đó, một sai lầm chị em phụ nữ rất hay mắc phải khi chăm sóc da trong mùa lạnh là bôi kem dưỡng ẩm chồng lên nhau trong vài ngày. Điều này dễ xảy ra vì mùa đông, nhiệt độ thấp, nhiều người có tâm lý e ngại trong việc tắm rửa. Do đó, họ chỉ thay quần áo và bôi đè lớp kem mới lên cơ thể.
Việc làm này tương tự như viêc bôi kem dưỡng ẩm quá nhiều. Một mặt, nó sẽ gây bí da, mặt khác, vô tình tạo môi trường ẩm thấp cho các loại vi khuẩn tích tụ trên da dẫn đến các bệnh ngoài da như nấm, viêm lỗ chân lông...
Do đó, trong trường hợp lười tắm, tốt nhất nên dùng nước lau sạch cơ thể để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn trước khi bôi kem dưỡng ẩm. Khi da sạch sẽ, thông thoáng, kem dưỡng ngấm sâu và phát huy hiệu quả hơn.
Ngoài việc dùng kem dưỡng ẩm sai cách, một số việc làm sau đây cũng khiến làn da bị "tàn phá" trong ngày lạnh:
- Rửa mặt, tắm bằng nước quá nóng: Khi tiếp xúc với nước nóng, lỗ chân lông giãn nở và làm bay hơi hết độ ẩm tự nhiên khiến da trở nên khô, thậm chí nhăn nheo hơn.
- Lạm dụng tẩy tế bào chết: Tẩy tế bào chết giúp loại bỏ các chất bụi bẩn, bã nhờn trên da khiến da sạch sẽ và thông thoáng. Tuy nhiên, trong mùa đông, việc tẩy da chết quá nhiều lần sẽ làm khiến da dễ bị mất độ ẩm. Tốt nhất, mùa đông chỉ nên tẩy 1 lần/tuần để không gây hại da.
- Rửa mặt quá kỹ khi vừa ngủ dậy. Theo nghiên cứu, khi ngủ da mặt sản sinh ra collagen, cân bằng lại độ PH... vì thế nếu sử dụng sữa rửa mặt có chứa nhiều xà phòng hoặc kì cọ mạnh vào buổi sáng sẽ làm mất đi lớp dầu bảo vệ rất tốt trên da. Đồng thời gây ra hiện tượng da khô, tróc nẻ.
- Sử dụng xà phòng có tính sát khuẩn mạnh: Nếu sử dụng xà phòng nhiều lần trong ngày sẽ dần làm mất đi lớp bảo vệ da tự nhiên khiến da khô, nứt nẻ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, chỉ nên sử dụng xà phòng để tẩy rửa những chỗ quá bẩn như nách, bẹn, chân tay… việc tắm rửa nên sử dụng sữa tắm.
Để hạn chế da bị khô, các chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc chăm sóc bên ngoài, việc bổ sung dưỡng chất bên trong cũng rất quan trọng. Uống đủ nước và ăn nhiều trái cây giàu vitamin C là phương pháp đơn giản để có làn da căng mịn. Ngoài ra, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, hạn chế tiếp xúc quá lâu với các thiết bị điện tử cũng làm giảm tình trạng da bị khô trong mùa lạnh.