Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sai phạm nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực: Ai phải chịu trách nhiệm?

Điều khiến dư luận thấy nhức nhối nhất đó là mặc dù Thanh tra Sở Xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên nhiều lần kiểm tra, xử lý các vi phạm của chủ đầu tư nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì sai phạm lại ngày càng nghiêm trọng hơn…

 

Đồ họa: Trung Dũng - Ảnh: Như Ý.

 

Không thuộc Trung tâm chính trị Ba Đình

Theo Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ khu đất hơn 5.900 m2 này có nguồn gốc là đất sản xuất do Cty may Chiến Thắng quản lý, sử dụng từ năm 1968, trong đó diện tích được chuyển mục đích xây dựng công trình là gần 3.800m2 (sau khi nhà nước lấy hơn 1.900m2 để mở đường Trần Phú kéo dài). Vị trí khu đất dự án số 8B Lê Trực phía Bắc giáp đường Trần Phú kéo dài, phía Tây và Nam giáp khu dân cư- không nằm trong ranh giới Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013.

Về chủ trương đầu tư dự án cao ốc, từ năm 2007 Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho phép Cty cổ phần May Lê Trực được chuyển mục đích sử dụng phần đất nằm ngoài phạm vi mở đường để lập dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở bán và cho thuê. Đến ngày 14/11/2013, UBND thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty cổ phần May Lê Trực thực hiện dự án…

 

Thanh tra dự án để làm rõ trách nhiệm

Ngày 1/10, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành có văn bản gửi các cơ quan báo chí về dự án tại 8B Lê Trực, quận Ba Đình. Thành phố giao Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra dự án để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan, xử lý nghiêm, khách quan, đúng pháp luật và thông tin rộng rãi với công luận.

 

Quy hoạch chi tiết trục đường Cầu Giấy- Kim Mã - Hùng Vương tỷ lệ 1/500 năm 1998, khu đất dự án thuộc ô quy hoạch ký hiệu L30 có chức năng nhà ở chung cư. Đến năm 2008, khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch trục đường này, ô đất L30 (8B Lê Trực) có chức năng là trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê; mật độ 64%; cao 4-17 tầng. Năm 2009, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án với chỉ tiêu mật độ xây dựng 64% gồm: Khu nhà thấp tầng (4 tầng không tính tầng bán hầm và áp mái) và khối công trình hỗn hợp TTTM, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê (cao 17 tầng, giật cấp từ phía Lê Trực đến phía Kim Mã)… 

Ngày 12/7/2013, thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng cho phép dự án được tiếp tục triển khai với chỉ tiêu mật độ xây dựng 64%, chiều cao công trình tối đa 44m (thấp hơn Nhà làm việc Quốc hội tại đường Hùng Vương, giảm chiều cao 26m so với phương án kiến trúc đã được chấp thuận ngày 16/3/2009). 

Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến thống nhất với đề nghị của Hà Nội cho phép tiếp tục dự án cao ốc tại số 8B Lê Trực theo phương án 2 (chủ đầu tư đề xuất): “Như vậy Quy hoạch kiến trúc của dự án đã chấp thuận phù hợp định hướng Quy hoạch chung Thủ đô, việc nghiên cứu xét tới yêu cầu cảnh quan đô thị khu vực, có kế thừa kết quả rà soát công trình cao tầng, đồng thời nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, tuân thủ các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng”, Báo cáo nêu rõ. 

Ngoài ra, Hà Nội cũng cho biết, hồ sơ cấp phép của dự án cũng được khẳng định có đầy đủ thành phần theo quy định. Phương án thiết kế cấp Giấy phép xây dựng phù hợp với Bản vẽ tổng mặt bằng và Phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội chấp thuận kèm theo công văn số 3546 ngày 24/10/2013.

 

Dự án tòa nhà 8B Lê Trực - Hà Nội nhìn từ phố Trần Phú. Ảnh: Như Ý.

 

Xây vượt phép 16m

Báo cáo cho hay mặc dù trình tự thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng cho công trình 8B Lê Trực không sai quy định, quy hoạch, tuy nhiên chủ đầu tư đã tự ý xây công trình sai với giấy phép, phương án được duyệt. Hiện chủ đầu tư đã xây dựng xong phần thô công trình cao tầng, công trình thấp tầng chưa triển khai xây dựng. 

Phần công trình cao tầng hiện đã xây dựng sai với giấy phép xây dựng được cấp, cụ thể như sau: Về khoảng lùi: Từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái); phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m công trình giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Về chiều cao công trình: Theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m. Hiện chủ đầu tư đã xây dựng tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69 m (vượt khoảng 16 m, tương đương với 5 tầng); Về diện tích sàn: Xây dựng khoảng 36.000 m2 (giấy phép xây dựng là 29.874 m2) tăng khoảng 6.126 m2.

Theo UBND thành phố Hà Nội những vi phạm xây dựng của chủ đầu tư về quy mô, khối tích công trình cả về chiều cao và chiều rộng là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc khu vực. Cũng theo báo cáo, toàn bộ vi phạm về xây dựng của công trình đã được chính quyền địa phương giám sát, có kiểm tra và xử lý, xử phạt (được thể hiện tại 27 văn bản của các cơ quan). “Việc kiểm tra của các cơ quan chức năng địa phương không thường xuyên và kịp thời, xử lý những sai phạm không kiên quyết và triệt để, nên dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hiện nay”, Bản báo cáo thừa nhận.

Về việc xử lý vi phạm, báo cáo của thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Đối với chủ đầu tư cố ý xây dựng sai giấy phép xây dựng đã được cấp, UBND thành phố kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Nhất là xử lý về chiều cao công trình, khoảng lùi, khoảng giật và hình thái không gian kiến trúc công trình, theo đúng thiết kế và giấy phép xây dựng đã được cấp”. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm trong trật tự xây dựng của công trình.

Văn bản gửi các cơ quan báo chí, UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Trong quá trình xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên nhiều lần kiểm tra, xử lý các vi phạm (được thể hiện tại 27 văn bản của các cơ quan). Tuy nhiên, việc kiểm tra không thường xuyên và kịp thời, xử lý những sai phạm không kiên quyết và triệt để, nên dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hiện nay”!

 

“Hình dáng khu đất không đủ điều kiện xây trường học

Theo báo cáo của Hà Nội vào năm 2009 sau khi dự án bị tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dân cư khu vực đã đề nghị xây dựng trường học tại vị trí đất do Cty may Lê Trực đang quản lý và thực hiện các thủ tục về đầu tư dự án. Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng trường. Do hình dáng khu đất có chiều rộng hẹp bởi đường quy hoạch cắt ngang, không đủ điều kiện bố trí trường học theo tiêu chuẩn nên Hà Nội đã chỉ đạo bố trí vị trí đất xây dựng trường học mới tại 67 Cửa Bắc để phục vụ học sinh hai phường Điện Biên và Quán Thánh.