Biển Sầm Sơn hấp dẫn, gắn với những câu chuyện huyền thoại
Theo tài liệu ghi lại, ngay từ thời Pháp thuộc, Sầm Sơn đã được đánh giá là bãi biển tốt nhất ở Việt Nam bởi bờ cát mịn, sạch, thoai thoải kéo dài ra phía biển. Biển Sầm Sơn có sóng hiền hòa, nồng độ mặn phù hợp với sức khỏe con người. Chính vì thế ngay từ xa xưa, người Pháp đã từng xây nhiều biệt thự, vila trên núi Trường Lệ để nghỉ dưỡng, khiến Sầm Sơn trở thành điểm nghỉ mát nổi tiếng ở Đông Dương. Không chỉ người Pháp, mà vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã chọn biển Sầm Sơn xây một “hoàng cung” để nghỉ ngơi, làm việc. Do chiến tranh, các vila, biệt thự trên núi Trường Lệ không còn nữa, nhưng đây chính là điểm khởi đầu hình thành và phát triển du lịch Sầm Sơn.
Sầm Sơn còn được du khách từ xa xưa biết đến với những câu chuyện huyền thoại, đó là câu chuyện về hòn Trống Mái tình tứ, lãng mạn ngự trên dãy Trường Lệ, rồi đến đền Độc Cước uy nghi thể hiện khát vọng hòa bình, bảo vệ sự bình yên cho người dân xứ Thanh và một đền Cô Tiên chênh vênh trên vách núi, hữu tình mà ẩn chứa bao điều kì bí…
Đến Sầm Sơn du khách được đắm mình trong huyền thoại của đá và núi, gắn liền với hình tượng Bà Mẹ Núi. Truyện kể rằng: Tại ngọn núi này xưa kia có một người phụ nữ đã qua đời sau khi sinh con, cậu bé có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, lớn nhanh như thổi, sức khỏe phi thường. Thương mẹ, chú bé nhặt đất đá đắp lên thi hài mẹ để nấm mồ lớn dần thành Núi Trường Lệ. Cậu bé đó trưởng thành trở thành một tràng trai khổng lồ, dũng cảm, phi thường cùng Nhân dân làng chài đánh tan loài quỷ biển, về sau trở thành thần Độc Cước.
Truyền thuyết đất này là bản anh hùng ca chiến trận, ngợi ca những người con làng biển không tên và có tên như Độc Cước, chàng trai đã tự xẻ thân mình ra làm hai nửa vì cuộc sống bình yên của đồng loại. Một nửa người thần theo bè mảng cùng dân chài ra khơi đánh cá và chống lại bầy quỷ biển, nửa còn lại ở lại đất liền bảo vệ dân lành khỏi bị quỷ Đỏ lẻn vào hãm hại. Ngôi đền cổ kính, linh thiêng có tượng thần ngự ở đầu non, dõi nhìn ra biển lớn luôn sáng soi trong tâm thức mỗi người, như ngọn hải đăng dẫn lối cho thuyền bè vào lộng ra khơi cập bến an toàn, tôm cá đầy khoang, ngàn đời no ấm.
Cùng với Độc Cước người anh hùng làng Núi là Tây phương Đại tướng quân - Trần Đức, vị tướng thời Trần có tài tả xung hữu đột khiến giặc ngoại bang phải bạt vía kinh hồn, bỏ mộng xâm lăng và làm cỏ nước Nam. Đền thờ ngài được người làng Trấp và dân trong vùng quanh năm chiêm bái và hương khói phụng thờ... Miền đất bên bờ sóng Sầm Sơn không chỉ ngợi ca những anh hùng chiến trận, mà các làng chài vùng Lương Niệm còn tạc dạ ghi lòng, tri ân công ân đức của Bà Triều - anh hùng văn hóa, bà tổ của nghề xăm súc. Người đã dạy cho ngư dân nghề dệt ngư cụ để đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống đủ đầy…
Sầm Sơn hướng tới thành phố du lịch thông minh, hiện đại
Những năm gần đây, Sầm Sơn đã Tỉnh ủy, HĐND, UBND Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch biển. Môi trường đầu tư kinh doanh của Sầm Sơn cũng được cải thiện mạnh mẽ, vốn đầu tư tăng nhanh, nhiều dự án lớn đã được triển khai tại thành phố biển này. Trong đó, nhiều dự án được đưa vào sử dụng như, đường Lý Tự Trọng, đường Hồ Xuân Hương, các tuyến đường theo hướng Đông - Tây khu vực nội thị, Đại lộ nam sông Mã, khu đô thị hai bên bờ sông Đơ, khu dân cư Trung Mới... đã và đang làm thay đổi bộ mặt đô thị Sầm Sơn theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tạo thế và lực cho Sầm Sơn phát triển nhanh và bền vững.
Với những quyết tâm của Tỉnh Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, năm 2015, sau 9 tháng khẩn trương thi công, nhà đầu tư đã biến vùng đầm lầy ở phía bắc thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn) thành khu resort 5 sao tầm cỡ và quy mô đứng đầu Bắc Trung Bộ, mang đến cho du khách không gian nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và đồng bộ rộng tới 200 ha với tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng. Những hạng mục nghỉ dưỡng, giải trí sang trọng, cao cấp đã biến Sầm Sơn thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước như: sân golf 18 hố dạng links tiêu chuẩn quốc tế, khu biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao ResortSamson gần 100 phòng, khách sạn 5 sao và khu bungalow HotelSamson gần 600 phòng cùng hơn 150 bể bơi trong nhà và ngoài trời. Đáng chú ý, trong số đó, nhà đầu tư đã xây dựng bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam rộng 5.100 m2, Trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ ngồi.
Cùng với chính sách “Trải thảm đỏ”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thu hút nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế về đầu tư tại Sầm Sơn. Hiện Tập đoàn Sun Group đang triển khai dự án đầu tư với tổng kinh phí gần 25.000 tỷ đồng, triển khai Dự án Quảng trường biển đưa vào sử dụng du lịch hè 2022 và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn, hứa hẹn đem đến diện mạo mới, những tiện ích cao hơn cho, đưa thành phố biển Sầm Sơn trở thành điểm đến du lịch thông minh, hiện đại. Đặc biệt, trong năm 2020, Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển du lịch là mũi nhọn. Trong đó, du lịch Sầm Sơn là trọng điểm trong bức tranh du lịch của tỉnh này. Theo đó, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, trong đó có trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn.
Để huy động các nguồn lực cho sự phát triển mạnh mẽ của Sầm Sơn, ngày 26/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu rõ, đến năm 2030 xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, TP Sầm Sơn sẽ phải đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, nhân lực về du lịch. Bên cạnh đó, Sầm Sơn phải đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân... phấn đấu đến năm 2030, đưa Sầm Sơn trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện.
Sầm Sơn đã sẵn sàng cho một mùa hè sôi động Với chủ đề “Sầm Sơn bay cao vươn xa”, chương trình khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2022 đã được khai mạc vào tối ngày 23/4, tại sân khấu Quảng trường biển (phường Trung Sơn). Với hàng loạt các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn diễn ra trong mùa hè 2022 như: diễu hành và biểu diễn mô tô phân khối lớn trên một số tuyến đường vào các ngày 20 và 22/5/2022; lễ hội Carnival đường phố tại đường Hồ Xuân Hương, khu Quảng trường biển, Công viên Hòn Trống Mái vào các ngày 30/4, 1/5 và 9/7/2022; thả diều, lễ hội dù bay tại khuôn viên bãi biển thành phố vào các ngày 4, 5/6 và 18, 19/6/2022; lễ hội bánh chưng - bánh dày tại sân khấu đền Độc Cước, phường Trường Sơn vào các ngày 9 và 10/6; lễ hội cầu ngư, bơi chải tại Cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến vào các ngày 11, 12/6/2022.
Bên cạnh đó, để thu hút du khách về với Sầm Sơn trong mùa hè này, thành phố cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa và tổ chức tuyến phố đi bộ, chợ đêm TP Sầm Sơn năm 2022; liên hoan văn hóa các dân tộc và trình diễn trang phục truyền thống tỉnh Thanh Hóa; các chương trình nghệ thuật vào tối thứ bảy hàng tuần. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao đặc sắc như: bóng bàn, cầu lông, quần vợt...
Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn Lê Văn Tú cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, TP Sầm Sơn có hơn 690 cơ sở lưu trú, với tổng số hơn 20.000 phòng và khoảng 1.500 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 suốt 2 năm qua, song đến thời điểm hiện tại tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đã sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để đón khách. Công tác an ninh, trật tự đảm bảo cho du khách được yên tâm, thoải mái cho mùa du lịch cũng đã được thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, với diện mạo mới về Sầm Sơn văn minh, thân thiện sẽ giúp du khách nhớ mãi về thành phố biển Sầm Sơn.”