Nguồn gốc, hiện trạng ô đất B6/TH2
Phản ánh tới Pháp luật Plus, người dân tổ 36, Giáp Nhị (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không hài lòng về việc cơ quan chức năng thu hồi đất tại sân bóng Giáp Tứ để làm trường THCS Thịnh Liệt là không đúng quy trình, thiếu trách nhiệm, không rõ ràng.
Cụ thể, năm 1956 nhân dân Giáp Tứ cũ hiện nay là Giáp Nhị theo phong trào tập thể dục rèn luyện sức khỏe của Bác Hồ đã tự nguyện góp đất để xây dựng, thành lập lên sân bóng, để người dân có không gian thể dục, thể thao, sinh hoạt, với diện tích gần 6.000m2 và được sử dụng liên tục từ đó cho đến nay.
Về nguồn gốc, hiện trạng đất mà chính quyền thu hồi thuộc ô đấtt B6/TH2 để xây dựng trường THCS Thịnh Liệt. Trong ô đất B6/TH2 có hai phần, một phần thuộc trường tiểu học cũ với diện tích khoảng 1500m2 (trừ diện tích trong chỉ giới mở đường là 2.310m2).
Phần thứ hai thuộc sân vận động với diện tích hơn 500m2. Sân vận động có đường bê tông dân sinh bao quanh, xung quanh trồng cây xanh, có cổng và lưới chắn bóng xung quanh, có cột gôn. Phía Tây – Bắc còn một sân chơi nhỏ có đồ chơi trẻ em như đu quay, bập bênh.
Hiện trạng ô đấtt B6/TH2 để xây dựng trường THCS Thịnh Liệt (P. Thịnh Liệt, Hoàng Mai). Ảnh người dân cung cấp.
Qua nắm tình hình tại tổ 36, nhiều người dân sinh sống lâu năm cho biết, sân vận động có nguồn gốc do người dân Giáp Tứ tự nguyện góp đất từ năm 1956, được sử dụng liên tục cho đến nay.
Một người dân xin giấu tên bức xúc nói: "Mảnh đất B6/TH2 đã có hai phần như vậy, nhưng tại báo cáo 209/BC – 28/11/2013 của UBND phường Thịnh Liệt về nguồn gốc và hiện trạng sử dụng đất, thì báo cáo gộp cả trường tiểu học và sân vận động thành một lô đất gồm 3 thửa 55 + 56 + 57, diện tích 8.978m2.
Theo báo cáo 209/BC – 28/11/2013 của UBND phường Thịnh Liệt, người dân cho rằng không minh bạch, không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm làm bức xúc cho người dân".
Mâu thuẫn bắt đầu
Quay trở lại năm 2000, UBND huyện Thanh Trì định mở rộng trường tiểu học ra hết sân vận động, nhưng nhân dân không đồng tình và phản đối việc làm trên của cơ quan chức năng nên dự án đã buộc phải dừng lại. (Thời điểm này, phần đất thuộc địa giới hành chính huyện Thanh Trì, sau đó đến năm 2006 quận Hoàng Mai được thành lập).
Sự việc bất đồng giữa nhân dân và chính quyền kéo dài mãi sau nhiều năm căng thẳng. Đến ngày 5/8/2015, thì sự việc lên tới đỉnh điểm là việc chính quyền đã mang tôn đến quây xung quanh sân bóng, không cho bà con vào sinh hoạt thể thao vì mục đích khoan, thăm dò địa chất.
Ông Đặng Minh Thuỵ, sinh năm 1936, một người dân sống tại thôn Giáp Tứ cũ cho biết: “Ngày xưa cuộc sống của nhân dân quá khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Ngày ấy nhân dân theo phong trào thể dục của Bác Hồ muốn có một sân chơi, sinh hoạt. Năm 1956 tôi là phó chủ tịch xã, tôi hiện nay là một trong những nhân chứng sống còn lại đã trực tiếp đứng ra vận động, tập hợp, thu gom đất để tạo nên sân bóng cho nhân dân vui chơi và tồn tại cho tới ngày nay. Việc chính quyền thu hồi đất của nhân dân mà không họp dân, lấy ý kiến của nhân dân là không đúng. Chúng tôi yêu cầu phía chính quyền phải tổ chức họp tất cả nhân dân để lấy ý kiến thống nhất, không để tình trạng căng thẳng kéo dài mãi như vậy”.
Nhiều người dân tại đây cho biết, ngày 5/8/2015 UBND quận Hoàng Mai đã quây tôn xung quanh sân bóng, nhưng đến tận ngày 9/5/2016, UBND quận Hoàng Mai mới có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất việc thu hồi đất tại ô đất B6/TH2?
Ngày 5/8/2015, UBND quận Hoàng Mai đã quây tôn xung quanh sân bóng, nhưng đến tận ngày 9/5/2016, UBND quận Hoàng Mai mới có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất việc thu hồi đất tại ô đất B6/TH2.
Vậy câu hỏi dư luận đặt ra ở đây là, ngày 9/5/2016, UBND quận Hoàng Mai mới có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất việc thu hồi đất tại ô đất B6/TH2, nhưng trước đó 5/8/2015, UBND quận Hoàng Mai đã quây tôn xung quanh sân bóng trong khi chưa có quyết định thu hồi đất, việc làm đó có rõ ràng, minh bạch không?
Người dân cho biết thêm, sân vận động tuy là đất công do UBND phường quản lý, nhưng có nguồn gốc do người dân hiến đất. Nên trước khi đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sân vận động sang xây dựng trường học phải lấy ý kiến người dân (Điều 43, Luật Đất đai quy định).
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Quý, Tổ trưởng tổ dân số 36 phường Thịnh Liệt cho biết: “Việc người dân bức xúc vì chính quyền thu hồi đất đã không trực tiếp họp bàn, đối thoại với dân nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay. Hiện nay, nguyện vọng của nhân dân là muốn chính quyền họp trực tiếp với dân, chứ không phải họp một vài vị lãnh đạo hoặc đại diện. Nhân dân muốn có một câu trả lời rõ ràng từ các cơ quan chức năng”.
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Hoàng Mai, ông Tùng cho biết: “Sân bóng Giáp Tứ hiện nay chắc chắn là phải làm, vì trường học hiện nay ở phường Thịnh Liệt là rất thiếu để phục vụ 1.200 cháu, một số trường hiện nay cũng rất sập xệ, xuống cấp, trường này phải đi học nhờ ở trường kia nên việc lấy sân bóng phục vụ mấy chục người đá bóng thay vì phục vụ hơn nghìn cháu đi học thì chúng tôi nhất định phải làm. Về nguồn gốc đất thì UBND phường Thịnh Liệt nắm rõ nhất, chúng tôi không lắm rõ cụ thể về việc này. Còn người dân bảo không họp dân, không lấy ý kiến của nhân dân là không đúng, chúng tôi đã niêm yết công khai toàn bộ mặt bằng được phê duyệt cho bà con biết. Việc người dân muốn chính quyền họp toàn bộ người dân thì phải theo quy định tiếp dân chứ chúng tôi không thể tự ý làm được, lần họp dân nào chúng tôi đều có giấy mời và công khai.
Việc người dân hiến đất trước kia mà cho đến hiện nay ai còn giữ được đầy đủ giấy tờ chứng nhận việc người dân hiến đất, thì người dân cung cấp cho phường và cho quận, quận sẽ bồi thường theo quy định.
Về sự không đồng tình của nhân dân trong việc triển khai dự án chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhân dân để nhân dân đồng tình cùng với cơ quan chức năng vì mục đích chung cho xã hội",