Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sân chơi tái chế - Điểm vui chơi bổ ích, an toàn cho trẻ em

6 năm qua, hành trình của những bạn trẻ trong nhóm thiện nguyện “Lăn bánh ước mơ” đã mang 22 sân chơi tái chế đến cho trẻ em nghèo ở miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo. Những địa điểm vui chơi bổ ích, an toàn này đã góp phần mang lại niềm vui cho trẻ em tại các vùng khó khăn.

Sân chơi là món quà thiết thực đối với các em nhỏ.

Sân chơi là món quà thiết thực đối với các em nhỏ.

Biến phế liệu thành sân chơi bổ ích

Dưới bàn tay khéo léo của các thành viên nhóm “Lăn bánh ước mơ”, những vật liệu phế thải như lốp xe cũ, ván gỗ, pallet (kệ kê hàng hóa), thùng phi cũ, dây thừng… được các bạn vệ sinh, gia công hoàn thiện và trang trí đầy đủ công năng của một sân chơi theo phong cách không gian liên hoàn. Với các modun trò chơi mang đủ chức năng vận động, giải trí, như cầu trượt, xích đu, cầu thăng bằng, bập bênh, tường lốp, thang đu... Ðồng thời sân chơi còn chứa đựng cả yếu tố văn hóa địa phương như tại sân chơi cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa, tỉnh Ðiện Biên) có lắp đặt xích đu cao 5m mô phỏng cây đu dân tộc Mông, mô hình pháo cao xạ + hầm Ðờ-cát-tơ-ri mô phỏng chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Thầy Nguyễn Văn Ðam - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tả Sìn Thàng cho biết, trong điều kiện thiếu thốn của nhà trường, khi có được sân chơi - món quà ý nghĩa này, các thầy cô và học sinh cảm thấy được động viên, khích lệ rất nhiều. Nhà trường và các em học sinh sẽ luôn duy trì truyền thống dạy tốt, học tốt cũng như sử dụng và duy trì sân chơi có ích nhất. Sân chơi này giúp các em có cơ hội để khám phá, quan sát và học hỏi các kỹ năng, phát triển thể chất và cảm xúc, đồng thời tăng tính gắn kết tập thể khi chơi cùng nhau.

Ðại diện nhóm “Lăn bánh ước mơ” chia sẻ, một sân chơi thú vị trong khuôn viên các điểm trường vùng cao sẽ góp phần thúc đẩy mong muốn được đến lớp của các em học sinh. Bên cạnh đó, không gian chơi sáng tạo và nghệ thuật sẽ giúp các em cân bằng và lưu giữ tuổi thơ, phát triển cả về thể chất và tâm hồn. Mỗi thành viên nhóm “Lăn bánh ước mơ” đều có chung một tâm niệm rằng: Hạnh phúc lớn nhất của các thành viên trong nhóm là được cùng xây dựng sân chơi với các em học sinh, được cùng các em lao động, vui chơi và trải nghiệm các trò chơi mới.

Sân chơi tái chế không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp giảm lượng rác thải và khuyến khích ý thức tái chế ở trẻ em.

Sân chơi hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập

“Sân chơi hòa nhập” là bước đột phá mới nhất của nhóm “Lăn bánh ước mơ”, là một sáng kiến hỗ trợ hòa nhập vui chơi cho trẻ em khuyết tật. Giữa tháng 4/2023, “Sân chơi hòa nhập” đầu tiên của dự án làm sân chơi cho trẻ em khuyết tật được các thành viên của nhóm triển khai lắp đặt tại tổ dân phố 11, phường Ðồng Mai, quận Hà Ðông, Hà Nội. Vẫn từ những vật liệu cũ cùng với sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, các thành viên của nhóm đã tỉ mỉ khoan lắp các chi tiết để tạo ra món đồ chơi cho các em nhỏ. Nhưng đây là một sân chơi tái chế với thiết kế đặc biệt có chủ đề hoà nhập, nên các thiết bị sân chơi được thực hiện theo hướng tối ưu tiện ích cho người khuyết tật có thể cùng tham gia vui chơi. Sân chơi được thiết kế với 6 modun trò chơi vận động đặc trưng như: xích đu dành cho xe lăn, chuông gió cho người khiếm thị, thang tay vận động, cầu thăng bằng, bập bênh, cầu trượt... Sân  chơi được làm từ các vật liệu tái chế nhưng đảm bảo an toàn khi vận động và cũng mang thông điệp bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải.

Sân trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Túng Sán nay khoác lên mình một diện mạo mới.

Sân trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Túng Sán nay khoác lên mình một diện mạo mới.

Sự nỗ lực của nhóm “Lăn bánh ước mơ” đã biến ước mơ có một sân chơi “xanh”, lành mạnh cho trẻ em khuyết tật trở thành hiện thực và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Chị Mai Anh - phụ huynh của một em nhỏ khuyết tật vui mừng chia sẻ: Lũ trẻ vui lắm. Sân chơi rất có ích cho các cháu nhỏ, đặc biệt là trẻ khuyết tật. Chiều thứ 7, chủ nhật, các cháu ra đây chơi, rất vui.

Anh Lê Hoài Nam - người sáng lập, Chủ nhiệm dự án “Lăn bánh ước mơ” cho biết: "Trước đây, nhóm mình làm nhiều sân chơi. Nhưng 1 lần, có người hỏi sân chơi nhóm làm đã phù hợp với những trẻ khuyết tật chưa? Ðiều này khiến chúng mình suy nghĩ, sau đó đã tìm hiểu cách thiết kế trò chơi phù hợp với trẻ khuyết tật. Sân chơi lần này gọi là “Sân chơi hòa nhập”, có 1 số trò chơi dành riêng cho người khuyết tật, xích đu xe lăn có thể lên được, cầu thăng bằng, đu tay cũng được thiết kế với kích thước phù hợp với xe lăn."

Không chỉ mang lại sân chơi hữu ích cho các em nhỏ, nhất là trẻ em khuyết tật, sự ra đời của “Sân chơi hòa nhập” còn mang lại niềm vui cho những người thực hiện. Các thành viên nhóm “Lăn bánh ước mơ” chia sẻ, tham gia thực hiện sân chơi, giúp đỡ các em ở những nơi khó khăn, được nhìn thấy những nụ cười các em nhỏ là điều rất vui, khiến mọi người muốn gắn bó với Nhóm. Người lớn làm được điều gì mang đến nụ cười cho các em nhỏ thì nên làm, đặc biệt với trẻ khuyết tật.

Anh Lê Hoài Nam - Chủ nhiệm dự án “Lăn bánh ước mơ” (người bên trái) trao quà cho đại diện Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Túng Sán (Hà Giang).

Anh Lê Hoài Nam - Chủ nhiệm dự án “Lăn bánh ước mơ” (người bên trái) trao quà cho đại diện Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Túng Sán (Hà Giang).

Theo anh Lê Hoài Nam, đối với trẻ em vùng cao, một sân chơi đúng nghĩa không chỉ đơn thuần là nhu cầu mà nó còn là ước mơ. Cho đến nay, dự án đã thực hiện được 22 chương trình kéo dài từ Bắc vào Nam, gần 3.000 lốp xe được tái sử dụng tạo thành sân chơi ở các tỉnh Bắc Kạn, Ðiện Biên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Kon Tum, Ninh Thuận... Ðể hoàn thành các dự án, đa phần các thành viên nhóm sẽ góp quỹ chung. Bên cạnh đó, cũng có những chương trình sẽ kêu gọi thêm sự tài trợ của các cơ quan, đơn vị đang quan tâm đến chương trình thiện nguyện. Các thành viên tận dụng thời gian rảnh sau ngày làm việc để thiết kế sân chơi, mang đến niềm vui cho các bạn nhỏ. Sắp tới, nhóm dự định nghiên cứu đồ chơi tinh gọn dễ vận chuyển hơn từ vật liệu tái chế để lắp đặt tại điểm trường khó khăn. Ðồng thời nhóm mong muốn xây dựng sân chơi trong công viên xanh tại Hà Nội nếu được sự giúp sức của chính quyền địa phương.